image advertisementanh tin baiimage advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
anh tin bai
image advertisement
image advertisement
image advertisement
anh tin bai

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
XÃ XUÂN THÀNH ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN THỰC HIỆN "ĐỀ ÁN PHÂN LOẠI,THU GOM XỬ LÝ RÁC THẢI SINH HOẠT "
Lượt xem: 1095
Sau các hội nghị chuyên đề về xâu dựng "" Đề án phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã  Xuân Thành" UBND xã  đã ban hành Đề án số 01/DA-UBND ngày 25/3/2022. Chính thức áp dụng thực hiện trong nhân dân từ ngày 01/01/2022 và giao cho Hội đồng quản trị hợp tác xã kinh doanh,  dịch vụ nông nghiệp xã Xuân Thành là đơn vị trực tiếp thực hiện vận hành, thu gom xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường.

Nội dung đề án cụ thể như sau:

Phần I. MỞ ĐẦU

1.     Sự cần thiết phải xây dựng đề án:

Những năm qua công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã đã đi vào nề nếp, người dân đã có ý thức trong việc thu gom rác thải. Tuy nhiên do đời sống sinh hoạt của nhân dân ngày được nâng lên, rác thải sinh hoạt ngày một nhiều, rác thải sinh hoạt hiện tại hầu như chưa được phân loại triệt để.

Đầu năm 2017 xã nhà bắt đầu tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt. Rác thải sinh hoạt trên địa bàn toàn xã khoảng 2,5 tấn/ngày nhưng đến nay lượng rác thải phát sinh tăng lên (khoảng 2,7 tấn/ngày). Trong khi đó diện tích khuôn viên khu xử lý rác thải là 9830 m2, nguy cơ hơn 10 năm tới khu xử lý rác thải không còn đủ diện tích để chứa rác thải sinh hoạt.

Hiện nay thành phần rác thải nhiều chất, nhiều chất độc hại, trong khi đó các hộ dân hầu hết mới chỉ phân được các chất thải có khả năng tái chế: đồ điện tử, sắt thép từ xây dựng nhà, vỏ chai nhựa, bao bì, vỏ hộp sữa, vỏ lon các loại....để bán phế liệu; rác hữu cơ dễ phân hủy như: thức ăn thừa, các loại thực phẩm thải bỏ, lá cây, hoa, rau củ quả, xác phân động vật và rác vô cơ: băng, tã giấy vệ sinh, vỏ bao bì bánh kẹo, đồ sành sứ, gốm vỡ, quần áo, đồ gỗ cũ, bóng đèn hỏng …còn để lẫn lộn, dẫn đến công tác phân loại, xử lý rác tại khu xử lý rác thải của xã gặp rất nhiều khó khăn, người làm công tác thu gom và xử lý rác thải phải làm việc vất vả, độc hại và dễ xảy ra tai nạn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Đặc biệt khi mưa, ẩm rác hữu cơ phân hủy bốc mùi hôi, thối lẫn với rác vô cơ và không thể xử lý triệt để; làm phát sinh ruồi, muỗi, chuột gây ô nhiễm khu xử lý rác thải làm ảnh hướng tới môi trường. Nếu không phân loại và xử lý rác thải tốt ngay tại hộ gia đình thì nguy cơ rác thải sinh hoạt chính là nguồn gây ô nhiễm môi trường ngay tại gia đình làm ảnh hưởng đến sức khỏe của chính các thành viên trong gia đình nhất là đối với trẻ nhỏ và người già.

Trong khi đó chi phí cho việc xử lý môi trường ngày một cao, mức đóng góp của nhân dân còn thấp, ngân sách địa phương còn hạn chế; Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải của địa phương trước đây đang áp dụng hiện nay không còn phù hợp, phương thức quản lý, thu phí của HTX còn bộc lộ nhiều hạn chế; các văn bản mới ra đời và do yêu cầu trong bộ tiêu chí NTM nâng cao, khu dân cư NTM kiểu mẫu.

Vì vậy để đảm bảo yêu cầu trong việc phân loại, thu gom, xử lý rác thải ngay tại mỗi gia đình; mỗi người dân có trách nhiệm, quyền lợi trong việc bảo vệ môi trường, tự phân loại rác thải và nộp lệ phí để đảm bảo công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải chung của địa phương. Do đó UBND xã Xuân Thành xây dựng đề án “Phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã Xuân Thành” trong giai đoạn hiện nay để thay thế cho Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trước đây của địa phương là cần thiết nhằm xây dựng địa phương ngày thêm xanh - sạch - đẹp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của xã ngày càng bền vững.

2. Căn cứ pháp lý để xây dựng đề án:

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2022; Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 quy định chi tiết một số điều của luật môi trường; Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 08/03/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Nghị định 55/2021 ngày 24/5/2021 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung Nghị định 155/2016/NĐ-CP;

Căn cứ Quyết định số 05/2017/QĐ-UBND ngày 27/2/2017 của UBND tỉnh Nam Định ban hành quy định mức giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn các huyện thuộc tỉnh Nam Định;

Căn cứ Huớng dẫn số 2276/STNMT-CCMT ngày 06/12/2013 của Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Nam Định về hướng dẫn thu gom, phân loại và vận hành bãi chôn lấp và xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn quy mô cấp xã; Hướng dẫn số 2528/HD-STNMT ngày 24/8/2020 của sở TN&MT về việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và xử lý chất thải rắn hữu cơ.

3. Đối tượng áp dụng:

Đề án này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân cư trú (thường trú, cư trú) trên địa bàn xã Xuân Thành.

Phần II. NỘI DUNG

I. Phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn (tại hộ gia đình).

1. Mục tiêu:

Nhằm cải thiện và bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo cho nhân dân có cuộc sống ngày càng bền vững và góp phần giải quyết an sinh xã hội. Nâng cao nhận thức trong nhân dân về việc phân loại, thu gom và xử lý rác thải, tạo môi trường cuộc sống ngày càng xanh - sạch - đẹp.

Nguồn rác thải sinh hoạt tại các hộ gia đình được phân loại, thu gom và được xử lý theo yêu cầu, hạn chế tối đã lượng rác thải phải chôn lấp nhằm tiết kiệm quỹ đất, hạn chế ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra.

Phấn đấu tỷ lệ rác trên địa bàn xã được phân loại tại hộ gia đình đạt trên 90%; tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải trong toàn xã đạt trên 97%.

2. Phân loại, thu gom, xử lý rác thải đối với hộ gia đình, cá nhân:

- Chất thải rắn sinh hoạt (còn gọi là rác thải sinh hoạt): Là chất thải phát thải trong sinh hoạt của các cá nhân, hộ gia đình, tại nơi công cộng (cơ quan, trường học…).

- Chất thải hữu cơ: Là loại rác dễ phân hủy và có thể đưa vào tái chế làm phân bón và làm thức ăn cho động vật như: các loại rau, củ quả đã bị hư, thối, vỏ trứng, cơm, canh, thức ăn còn thừa hoặc bị ôi thiu, các loại bã chè, bã cà phê, cỏ cây bị xén, chặt bỏ, hoa rụng… gom lại để vào thùng chứa rác hữu cơ có lắp đậy, có lót nilon để thuận tiện thu gom và hạn chế nước rò rỉ (có ký hiệu rác thải hữu cơ ở ngoài vỏ thùng).

Rác thải hữu cơ sau khi phân loại: Chủ hộ có vườn thì có thể đào hố ủ rác hữu cơ vườn để ủ rác làm phân bón hoặc có thể dùng thùng ủ rác hữu cơ đặt ở khu vực thuận tiện để bỏ rác và ủ để phân hủy thành phân bón hoặc có thể làm thức ăn cho chăn nuôi, NTTS; nếu không có vườn hoặc khu xử lý thì sau khi phân loại phải để ra nơi tập kết để được thu gom, xử lý theo quy định.

- Chất thải vô cơ: Là loại rác không thể sử dụng được nữa cũng không thể tái chế được mà chỉ có thể xử lý bằng cách đốt rác tại khu xử lý tập trung của xã như: bỉm, tã, xốp, đồ da, cao su, nilon, quần áo, vải, cành cây, thân cây, đồ dùng gỗ trong gia đình… để vào thùng rác vô cơ có lắp đậy có lót nilon trắng (có ký hiệu rác thải vô cơ ở ngoài vỏ thùng).

Các chất như: ly, cốc, bình thủy tinh vỡ, các loại vỏ sò, ốc, gạch, đá, đồ sành, sứ vỡ .... để vào thùng rác vô cơ hoặc để trong bao xắc rắn có lót nilon, buộc kín. Rác thải này hộ dân tự tìm nơi xử lý đảm bảo quy định hoặc hợp đồng riêng với đơn vị thực hiện Đề án.

Rác vô cơ sau phân loại: bỏ vào thùng, xô chứa rác để đơn vị thực hiện Đề án thu gom đến khu xử lý của xã.

- Rác thải tái chế: Là loại rác khó phân hủy nhưng có thể đưa vào tái chế để sử dụng, hoặc bán tận thu như: thùng giấy, sách báo cũ, hộp giấy, bì thư, bưu thiếp, các loại vỏ lon nước ngọt, vỏ hộp trà, nilon, đồ da, xốp, vỏ bao bì, các loại ghế nhựa, thau nhựa vỡ hỏng, quần áo và vải cũ, pin, ắc quy… đựng vào túi nilon, bao xắc rắn có lót nilon để bán tái chế hoặc rửa sạch và sử dụng lại. 

- Rác thải nguy hại: Là rác thải sinh hoạt có chứa một số chất nguy hại, thể gây nguy hiểm đến môi trường và sức khỏe con người trong quá trình xử lý như: dược phẩm, mỹ phẩm quá hạn sử dụng, chất diệt chuột, ruồi, gián, vỏ bao bì thuốc BVTV, chất thải của động cơ, ắc quy, các dụng cụ sửa chữa trong gia đình: keo dán, sơn, chất phụ gia và nước thông cống, các chất thải khác: dụng cụ chứa thủy ngân (bóng đèn huỳnh quang thải, nhiệt kế thải), pin thải,…. Đối với các loại rác thải này đựng vào túi nilon bền, kín và giao cho đơn vị thực hiện Đề án của xã để xử lý riêng.

- Mỗi hộ gia đình phải thường xuyên vệ sinh thùng đựng rác sau mỗi lần được thu gom và vận chuyển ra bãi rác để xử lý.

- Đối với động vật chết tại gia đình, hộ chăn nuôi phải báo cán bộ thú y xã kiểm tra dịch bệnh và được chôn lấp, tiêu hủy theo quy định, tuyệt đối không vứt ra ngoài môi trường.

3. Phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải tại các cơ quan, đơn vị.

Các cơ quan, đơn vị phải hợp đồng với tổ thu gom, xử lý rác thải của địa phương để thu gom, vận chuyển, xử lý theo quy định. Bố trí người lao động phụ trách công tác môi trường của cơ quan, đơn vị.

Bố trí khu đất hợp lý để phân loại, vận chuyển và phải có thùng chứa rác thải phân loại đáp ứng được yêu cầu và phải được xử lý theo quy định (phân loại và xử lý như của hộ gia đình, cá nhân).

Đối với chợ Cát: bố trí các thùng chứa rác thải vô cơ, hữu cơ riêng biệt và tuyên truyền, nhắc nhở các hộ kinh doanh, buôn bán trong chợ phải để rác theo đúng quy định. Sau mỗi phiên chợ đơn vị thực hiện đề án phải tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý kịp thời không để tình trạng ô nhiễm môi trường ở chợ.

II. Trách nhiệm của hộ gia đình, đơn vị, cá nhân có phát sinh rác thải rắn sinh hoạt.

Tham gia tích cực các hoạt động vệ sinh môi trường khu xóm do chính quyền, các tổ chức đoàn thể, khu dân cư phát động. Thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, Đề án và quy ước của khu dân cư. Không xả thải rác thải sinh hoạt ra ngoài môi trường, nước thải phải qua xử lý đạt về môi trường.

 Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình khi tiến hành cải tạo, xây dựng hoặc phá dỡ công trình trên địa bàn xã phải tự thu dọn, không làm ảnh hưởng tới môi trường và giao thông. Không vận chuyển rác thải, chất thải ở nơi khác về địa phương tiêu hủy, chôn lấp.

  Tổ chức phân loại và xử lý rác thải tại nguồn theo Đề án; báo cáo đúng về nhân khẩu, đối tượng thu hoặc khi có thay đổi về nhân khẩu, đối tượng thu với xóm trưởng hoặc trực tiếp tới đơn vị thực hiện Đề án; đóng đủ, đúng thời gian, tiền lệ phí theo Đề án này.

Đấu tranh, phát giác, tố giác những trường hợp vi phạm luật bảo vệ môi trường, những trường hợp xả thải rác thải trong khu dân cư, trường hợp không đóng lệ phí rác thải theo Đề án này.

Các đồ dùng, tư trang trong mai táng, sinh hoạt của người chết nên để tái chế sử dụng (nếu có thể) hoặc gia đình phải tự thu dọn, xử lý theo quy định như quần áo, giường, chiếu, chăn, màn, nón, mũ, khăn tay, khẩu trang, gỗ ... Tuyệt đối không được vứt, xả thải ra ngoài môi trường hoặc để trong nghĩa trang mà không được thu dọn, xử lý.

Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình kinh doanh, sản xuất, buôn bán, hành nghề phế liệu, các chủ cơ sở giết mổ, buôn bán vật nuôi, gia trại, trang trại, các cơ sở chế biến gỗ, may, cơ khí, vật liệu xây dựng hoặc làm các ngành nghề dịch vụ, thủ công,... phải thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường. Có nơi chứa, phân loại rác thải, chất thải và phải được xử lý theo quy định không để làm ảnh hưởng đến môi trường.

III. Phương án xây dựng mức thu phí phân loai, thu gom, xử lý rác thải.

1. Nguyên tắc:

Đảm bảo đúng danh mục các khoản thu phí thuộc thẩm quyền của UBND xã và theo Quyết định số 05/2017/QĐ-UBND ngày 27/2/2017 của UBND tỉnh Nam Định ban hành quy định mức giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn các huyện thuộc tỉnh Nam Định.

Mức thu: Đảm bảo nhằm bù đắp yêu cầu về chi phí cho việc phân loại, thu gom, xử lý rác trên địa bàn xã.

Trong trường hợp 01 (một) hộ gia đình, đơn vị nếu kinh doanh nhiều mặt hàng thì áp dụng một mức thu cao nhất. Công dân cư trú tại đâu mà phát sinh ra rác thải tại đó sẽ nộp lệ phí theo Đề án này tại nơi đó; một công dân không thu hai nơi cư trú trên địa bàn xã.

2. Đối tượng, phương án thu phí vệ sinh:

Đối tượng 1: Đối với hộ gia đình, cá nhân

Hộ gia đình (không kinh doanh, buôn bán): mức thu là 8.000 đồng/khẩu/ tháng.

Hộ nghèo: mức thu là 4.000 đồng/khẩu/tháng.

Cá nhân cư trú tại các phòng trọ cho thuê, hộ gia đình cá nhân hoặc ở tại đất của gia đình mà đã đăng ký tạm trú tại địa phương hoặc chưa đăng ký tạm trú tại địa phương nhưng cư trú thường xuyên tại địa phương từ 01 (một) tháng trở trở lên: mức thu là 8.000 đồng/khẩu/tháng.

Khẩu đi vắng dưới 06 tháng, mức thu là 4.000 đồng/tháng. Khẩu đi vắng liên tục từ 06 tháng trở lên được miễn đến khi về địa phương thì thu với mức là 8.000 đồng/khẩu/tháng.

Đối tượng 2: Hộ kinh doanh. Thu ở đối tượng này thì không áp dụng mức thu ở đối tượng 1.

Cửa hàng bán hoa, quả, rau; hàng bán hoa, quả, rau màu; cửa hàng rửa, sửa xe ô tô, xe máy, xe đạp; cửa hàng cắt tóc; nhà hàng ăn uống; nhà nhận nấu ăn, làm đồ ăn (bán hoặc giao nơi khác); nhà trông trẻ; doanh nghiệp; nhà nghỉ, phòng khám tư nhân (có biển hiệu); cơ sở sản xuất: mức thu là 80.000 đồng/hộ/tháng.

Nhà bán đồ ăn nhanh; hộ kinh doanh giải khát, cà phê, karaoke, bánh kẹo; hộ kinh doanh tạp hóa, đồ lưu niệm, văn phòng phẩm; đồ điện (buôn bán, sửa chữa đồ điện tử, điện lạnh); vật liệu xây dựng, quần áo, internet, hiệu thuốc, giày dép, điện thoại, vàng bạc, nhôm kính, cơ khí, hàng thủ công, vật tư nông nghiệp, xay sát, cắt tóc, gội đầu; cơ sở giết mổ, ấp lở gia súc, gia cầm; buôn bán sản phẩm gia súc, gia cầm; xe khách (có điểm đón cố định hoặc lưu trú tại địa phương); hộ khám, điều trị ít bệnh nhân (không có biển hiệu); hộ kinh doanh phế liệu, phế thải, đồ gỗ … mức thu là 60.000 đồng/hộ/tháng.

Nhà thờ, nhà chùa, đình, miếu... đơn vị thực hiện Đề án tự thỏa thuận, thống nhất mức thu cho phù hợp.

Đối tượng 3:

Trường học; trạm y tế; cơ quan hành chính, sự nghiệp, cụm thủy nông, trạm nước sạch: mức thu là 100.000 đồng/đơn vị/tháng.

         Các sự kiện: đám hiếu, đám hỷ, tân gia mức thu là 200.000 đồng/sự kiện. Các sự kiện khác nếu tập trung đông người ăn uống phát sinh nhiều rác như: cải táng, đám 49, đám 100 ngày, giỗ họ, mừng thọ, liên hoan… thì tùy từng sự kiện có thể thỏa thuận với đơn vị thu gom.

          Đối tượng 4: Tạm hoãn, miễn thu.

Tạm hoãn khi về địa phương thì bổ sung vào danh sách thu: Bộ đội, công an nghĩa vụ, sinh viên học tập trung trên trường.

Miễn thu: Người già cô đơn không còn người lương tựa (từ đủ 70 tuổi trờ lên); trẻ em (dưới 18 tuổi) mồ côi cả cha lẫn mẹ và không có người nuôi dưỡng (các đối tượng này phải có xác nhận của cơ sở xóm và UBND xã).

Chợ Cát Xuyên do UBND xã thu trong hợp đồng giao khoán.

 (Căn cứ quá trình thực hiện UBND xã sẽ có sự điều chỉnh mức thu phí cho phù hợp với thực tế).

* Phương án thu phí.

Tháng 12 hàng năm, đơn vị thực hiện Đề án chốt danh sách nhân khẩu, đối tượng thu với xóm trưởng, công chức địa chính môi trường, công chức thống kê, công an xã phụ trách nhân khẩu, công chức tài chính kế toán, công chức tư pháp hộ tịch xã cho cả năm tới. Ngày 20 hàng tháng nếu có biến động về nhân khẩu, đối tượng thu theo Đề án này xóm trưởng sẽ báo và chốt với đơn vị thực hiện Đề án; đơn vị thực hiện Đề án kiểm tra, xác minh để điều chỉnh và báo cáo UBND xã cuối năm.

Thời gian thu phí: từ ngày 25 - 28/tháng.

Đơn vị thực hiện Đề án hợp có đồng trong một năm và hóa đơn thanh toán với hộ dân (đại diện hộ gia đình), đơn vị, tổ chức.

Đơn vị thực hiện Đề án trực tiếp thu phí rác theo theo đúng nội dung của Đề án này.

3. Quản lý và sử dụng nguồn kinh phí.

UBND xã giao cho đơn vị thực hiện Đề án tổ chức thu phí của hộ gia đình, cá nhân, cơ quan và trực tiếp quản lý để sử dụng chi phí cho việc phân loại, thu gom, xử lý rác thải dưới sự quản lý của UBND xã. Ngoài mức quy định về khấu hao tài sản, xử lý rác thải nguy hại, khen thưởng do UBND xã quản lý thì đơn vị thực hiện Đề án tự cân đối thu chi và xây dựng dự toán cho phù hợp đảm bảo hoạt động và yêu cầu của công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải theo Đề án này. Cụ thể:

- Khấu hao cơ sở hạ tầng, lò đốt, đường điện 10% (UBND xã quản lý và sử dụng).

- Trích vào ngân sách địa phương 3% (hợp đồng xử lý rác thải nguy hại,...).

- Chi khen thưởng, tổng kết, sơ kết, lập danh sách đối tượng thu hàng năm ... 5% (UBND xã quản lý và sử dụng).

(Mức dự toán này UBND xã sẽ thay đổi cho phù hợp)

Ngoài mức thu theo các đối tượng trên UBND xã khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình xây dựng và ủng hộ quỹ môi trường xã. Quỹ này do UBND xã quản lý qua công chức tài chính xã.

IV. Thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại.

1. Tổ chức thu gom, vận chuyển:

UBND xã tổ chức ký hợp đồng với đơn vị, tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện tổ chức thực hiện Đề án.

- Đảm bảo tổ chức thu gom, vận chuyển riêng nhóm rác thải hữu cơ và nhóm chất thải còn lại (tạm gọi là rác vô cơ).

- Đối với nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (hay còn gọi là phế liệu): hộ gia đình, đơn vị thực hiện Đề án có thể bán phế liệu; trường hợp không bán thì bỏ chung với thùng chứa rác vô cơ.

- Rác thải độc hại đã được phân loại và đựng vào túi nilon bền, kín sẽ thu gom và đưa vào nhà chứa rác thải nguy hại tại khu xử lý rác thải của địa phương để UBND xã hợp đồng với đơn vị có khả năng.

- Tổ chức thu gom, vận chuyển theo định kỳ 03 ngày/lần/xóm; riêng khu vực chợ Cát Xuyên (từ ngã tư cầu ông Mong đến cầu chợ Cát) và khu trung tâm xã (từ cầu chợ Cát đến cầu sắt) thu gom, vận chuyển 02 ngày/lần. Thu gom trực tiếp đến cổng hộ gia đình; trường hợp dong cụt, dong nhỏ xe khó vào hộ dân sẽ chuyển rác thải ra ngoài đầu dong hoặc vị trí thích hợp để thuận tiện cho việc thu gom, vận chuyển.

- Đối với các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp, nơi công cộng có rác thải rắn khối lượng lớn như cây cối, đất, đá, gạch, ngói, bê tông hoặc đào đắp, tháo rỡ các công trình phải có trách nhiệm tự tổ chức thu gom, xử lý theo đúng quy định hoặc hợp đồng riêng với đơn vị thực hiện Đề án theo giá thỏa thuận.

2. Phương tiện thu gom, vận chuyển rác thải.

Phương tiện, dụng cụ thu gom, vận chuyển bằng xe chuyên dụng (có thùng chứa hai ngăn hoặc phải được phân tách riêng các loại rác thải đã phân loại) đảm bảo an toàn kỹ thuật tham gia giao thông, đảm bảo vệ sinh môi trường, không làm rơi vãi, rò rỉ rác thải, nước thải và phải có bạt che.

Phương tiện, dụng cụ sau mỗi lần thu gom phải được vệ sinh, khử trùng. Phương tiện thu gom, vận chuyển rác thải phải được bảo quản, quản lý và để đúng quy định (tại nhà riêng hoặc khu xử lý rác thải của địa phương).

3. Xử lý rác thải sau thu gom, vận chuyển.

Sau thu gom, vận chuyển sẽ có tổ xử lý phân loại và xử lý rác thải theo đúng quy định và theo Kế hoạch bảo vệ môi trường đơn giản khu xử lý rác thải bằng công nghẹ lò đốt đã được UBND huyện Xuân Trường phê duyêt.

V. Xử lý rác thải tồn đọng trên địa bàn xã

Đối với rác thải tự phát trên địa bàn xã, xác động vật chết ngoài môi trường, rác thải phát sinh tại các khu cách ly để phòng, chống dịch bệnh đơn vị thực hiện Đề án bố trí lao động tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý theo quy định. Kinh phí được trích từ nguồn thu của dịch vụ và UBND xã xem xét hỗ trợ từ ngân sách địa phương.

Đối với rác thải, vật cản, động vật chết trên hành lang sông, kênh cấp 1, cấp 2 thì thực hiện theo Đề án vệ sinh môi trường gắn với làm đẹp cảnh quan môi trường kênh, sông (đã giao cho HĐQT HTX SXKD DVNN Xuân Thành).

VI. Thời gian áp dụng Đề án.

Đề án này được áp dụng từ ngày 01/04/2022 và sẽ được điều chỉnh, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế bằng văn bản khác cho phù hợp khi các văn bản liên quan thay đổi hoặc tùy vào điều kiện của từng thời điểm.

Phần III: KHEN THƯỞNG – XỬ LÝ VI PHẠM

1. Khen thưởng.

Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có thành tích trong hoạt động bảo vệ môi trường theo Đề án, có hoạt động giám sát công tác bảo vệ môi trường, phát hiện và báo cáo kịp thời các hành vi gây ô nhiễm môi trường và có sáng kiến, thành tích tốt trong việc bảo vệ môi trường, chấp hành tốt Đề án; xây dựng và ủng hộ quỹ môi trường của địa phương thì sẽ được tuyên dương, được khen thưởng bằng các hình thức sau:

   + Biểu dương tại các hội nghị sơ kết, tổng kết, trên hệ thống đài truyền thanh xã.

   + Tặng giấy khen + tặng phẩm của UBND xã.

   + Đề nghị cấp trên khen thưởng.

   + Thưởng ngày lễ, tết đối với công nhân làm nhiệm vụ thu gom, phân loại và xử lý rác thải.

    + Đảng ủy, chính quyền, các ngành, các đoàn thể, cở sở xóm đưa việc bảo vệ môi trường thành một tiêu chí trong việc bình xét thi đua, xét danh hiệu gia đình văn hóa, thành tích của đơn vị, cá nhân.

   2. Xử lý vi phạm

          Các tổ chức, hộ gia đinh, cá nhân cố tình vi phạm quy định bảo vệ môi trường; không nộp đúng, đủ phí rác thải theo Đề án này thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính, đình chỉ, buộc khắc phục tình trạng ban đầu hoặc đề nghị cấp trên theo thẩm quyền và nêu tên nhắc nhở trên hệ thống đài truyền thanh địa phương, trên các hội nghị họp xóm; công khai tại nhà văn hóa xóm và trụ sở UBND xã; không bình xét, xét hạ cá danh hiệu cá nhân, đơn vị hoặc có thể xem xét xác nhận vào hồ sơ cá nhân.

Để đảm bảo tính công bằng đối với các trường hợp trây ì, cố tình không nộp, chốn tránh nộp phí rác thải theo Đề án: đơn vị thực hiện Đề án, cùng xóm trưởng tổ chức vận động, tuyên truyền, giải thích, nhắc nhở nếu cố tình không nộp hoặc chốn tránh không nộp mà không có lý do chính đáng sẽ lập biên bản làm việc, báo cáo về UBND xã để xử lý vi phạm ngay trong tháng kế tiếp. 

Đối với các xóm, các chi hội, tổ chức đoàn thể có trên 30% số hộ, hội viên không đóng phí dịch vụ môi trường sẽ đánh giá hạ thi đua cuối năm.

          Căn cứ Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và Điều 1 khoản 18 Nghị định 55/2021/NĐ-CP về sửa đổi mức phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cụ thể: về hành vi vứt, thải, bỏ rác thải không đúng nơi quy định, nơi công cộng có thể phạt tiền lên đến 1.000.000 đồng; có thể phạt tiền lên đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định (khoản 4 điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP) và các hình thức xử phạt vi phạm hành chính khác có liên quan.

Phần IV: TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. UBND xã hợp đồng giao khoán cho đơn vị thực hiện Đề án để tổ chức thực hiện Đề án này, yêu cầu đơn vị thực hiện Đề án bám sát vào Đề án để tổ chức thực hiện. Vào tháng 12, hàng năm tổng hợp báo cáo, sơ kết và tham mưu UBND xã trong tổ chức thực hiện năm tiếp theo.

2. Trách nhiệm của cấp ủy, xóm trưởng:

Quản lý địa bàn xóm, tuyên truyền, vận động, nhắc nhở mọi người thực hiện tốt luật bảo vệ môi trường, Đề án của UBND xã.

Theo dõi những biến động về nhân khẩu, đối tượng thu trên địa bàn, chốt danh sách với UBND xã và đơn vị thực hiện Đề án.

Kiểm tra, báo cáo lên UBND xã các hành vi vi phạm, phát sinh trong xóm liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Giám sát việc thực hiện của đơn vị thực hiện Đề án.

3. Trách nhiệm của UBND xã.

Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn. Đưa tiêu chí về bảo vệ môi trường, thực hiện Đề án vào trong việc đánh giá, xóm, đơn vị và xét công nhận gia đình văn hóa. Tuyên truyền, giáo dục, vận động kết hợp với các biện pháp hành chính, kinh tế và các biện pháp khác theo quy định của pháp luật để xây dựng ý thức, tự giác, kỷ cương trong hoạt động bảo vệ môi trường và trong thực hiện Đề án.

Tổ chức rà soát, kiểm tra và báo cáo TT Đảng ủy, HĐND, MTTQ, UBND xã hàng năm và tổ chức khen thưởng theo Đề án.

Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của hộ gia đình, cá nhân. Phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cấp trên.

Công chức UBND xã phụ trách các lĩnh vực: Môi trường, Tài chính ngân sách xã, tư pháp-hộ tịch, Trưởng Công an xã, văn phòng, căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao tổ chức rà soát, thống kê nhân khẩu, đối tượng thu, mức thu và tham mưu UBND xã thực hiện Đề án.

Công chức Tài chính kế toán, công chức địa chính môi trường tham mưu, hướng dẫn, theo dõi đơn vị thực hiện Đề án và hướng dẫn lập sổ theo dõi, quyết toán thu chi đúng quy định, cân đối mức thu, chi báo cáo UBND xã để điều chỉnh mức thu và chi phù hợp từng thời điểm. Tổng hợp báo cáo UBND xã hàng năm.

Đề nghị TT Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, tuyên truyền tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, giam gia thực hiện Đề án.

Các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức đoàn thể trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tuyên truyền, vận động các thành viên của tổ chức và nhân dân tham gia bảo vệ môi trường; giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường cũng như Đề án này.

Đề án này được phổ biến, xin ý kiến rộng rãi tới nhân dân, góp ý bổ sung điều chỉnh và thông qua HĐND xã để thống nhất thực hiện Đề án trong toàn xã.

Trên đây là nội dung “Đề án phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã Xuân Thành”;Đề án này khi áp dụng sẽ thay thế cho “Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải” trước đây của địa phương. UBND xã đề nghị các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, các cơ sở sản xuất kinh doanh và nhân dân tích cực tham gia thực hiện Đề án để góp phần chung vào thực hiện chương trình NTM, góp phần bảo vệ cảnh quan môi trường trên địa bàn xã, bảo vệ sức khỏe của chính mỗi người dân trong xã và của cả cộng đồng./.

 

Cơ quan chủ quản: Xã Xuân Thành- Huyện Xuân Trường
Địa chỉ: Xã Xuân Thành- Huyện Xuân Trường - Tỉnh Nam Định
Email: xaxuanthanh.xtg@namdinh.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang