image advertisementanh tin baiimage advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
anh tin bai
image advertisement
image advertisement
image advertisement
anh tin bai

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
15 TÌNH HUỐNG HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ
Lượt xem: 8962

15 TÌNH HUỐNG HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ

 

Tình huống 1: Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

Anh Hữu và chị Thủy ly hôn. Tòa xử cho chị Thủy nuôi con. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi con chị Thủy không cho anh Hữu gặp con, vì vừa để trả thù chồng cũ, vừa sợ con gặp ba thường xuyên sẽ thương ba hơn mẹ và sẽ về ở với ba. Anh Hữu nhiều lần muốn gặp con nhưng không được gặp nên đã rất tức giận và lời qua tiếng lại cãi nhau với chị Thủy, mâu thuẫn giữa họ ngày càng tăng.

Gợi ý xử lý tình huống:

1. Xác định mâu thuẫn, nguyên nhân

Mâu thuẫn giữa hai người đã ly hôn về việc thăm con của người cha, mâu thuẫn này thuộc lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Nguyên nhân là do người mẹ muốn trả thù chồng cũ, sợ con sẽ về ở với ba và chưa hiểu quy định của pháp luật về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.

2. Phân tích

Sau khi ly hôn, có thể chị Thủy vẫn còn giận anh Hữu vì những mâu thuẫn của cuộc sống vợ chồng trước đó và vì lo sợ anh Hữu và con thường xuyên gặp nhau sẽ về ở với nhau mà không cho anh Hữu gặp con là không đúng quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình.

3. Căn cứ giải quyết

- Quy định pháp luật: Khoản 3 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn: “Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.”

- Đạo lý: Phụ tử tình thâm; Công cha nghĩa mẹ.

4. Hướng giải quyết

Trong tình huống này, hòa giải viên gặp chị Thủy để phân tích cho chị thấy việc không cho cha con anh Hữu gặp nhau là ngăn cản tình cảm thiêng liêng giữa cha và con, là trái với đạo lý, làm ảnh hưởng đến tình cảm cha con anh Hữu và không đúng với quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, khuyên nhủ chị Thủy chấm dứt việc ngăn cản, tạo điều kiện để cha con anh Hữu được gặp nhau. Đồng thời, gặp anh Hữu để phân tích cho anh Hữu vì tình xưa nghĩa cũ của vợ chồng, hãy hiểu và thông cảm cho những bức xúc của chị Thủy, khuyên anh Hữu không nên cãi nhau với chị Thủy vừa gây mất trật tự, làm cho mâu thuẫn với vợ cũ ngày càng tăng nhưng không giải quyết vấn đề.

Tình huống 2: Nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc thoát nước mưa

Nhà bà Năm và ông Sáu là hai hộ liền kề. Vừa qua, bà Năm làm thêm mái tôn để che mưa nhưng không làm đường thoát nước mưa. Mỗi khi trời mưa, nước từ mái tôn bà Năm chảy tràn sang mái nhà ông Sáu làm thấm nước xuống các phòng bên dưới của nhà ông Sáu. Ông Sáu nhiều lần yêu cầu bà Năm làm đường thoát nước nhưng bà Năm không đồng ý vì cho rằng việc thấm nước là do mái nhà ông Sáu không được xử lý chống thấm, không liên quan đến bà nên giữa ông Sáu và bà Năm đã xảy ra mâu thuẫn.

Gợi ý xử lý tình huống:

1. Xác định mâu thuẫn, nguyên nhân

Ông Sáu và bà Năm đã xảy ra mâu thuẫn trong việc làm đường dẫn thoát nước mưa, mâu thuẫn này thuộc lĩnh vực dân sự về nghĩa vụ tôn trọng ranh giới giữa các bất động sản. Nguyên nhân là do bà Năm chưa hiểu quy định của pháp luật về nghĩa vụ tôn trọng ranh giới giữa các bất động sản.

2. Phân tích

Bà Năm làm thêm mái tôn để che mưa nhưng không làm đường thoát nước mưa dẫn đến mỗi khi trời mưa, nước từ mái tôn nhà bà Năm chảy tràn sang mái nhà ông Sáu gây thấm nước xuống các phòng bên dưới của nhà ông Sáu, làm ảnh hướng đến sinh hoạt của nhà ông là không đúng. Vì vậy, ông Sáu đã nhiều lần yêu cầu bà Năm làm đường thoát nước mưa nhưng bà không đồng ý vì cho rằng nhà ông Sáu bị thấm là do xử lý chống thấm trần nhà không tốt chứ không phải do nước mưa từ mái tôn nhà bà; giữa hai người đã xảy ra mâu thuẫn làm ảnh hưởng đến tình cảm hàng xóm gây mất trật tự công cộng.

3. Căn cứ giải quyết

- Quy định pháp luật: Điều 250 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định Nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc thoát nước mưa:“Chủ sở hữu nhà, công trình xây dựng khác phải lắp đặt đường dẫn nước sao cho nước mưa từ mái nhà, công trình xây dựng của mình không được chảy xuống bất động sản của chủ sở hữu bất động sản liền kề.”

- Đạo lý: Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau; bán anh em xa mua láng giềng gần.

4. Hướng giải quyết

Hòa giải viên gặp bà Năm và giải thích cho bà hiểu việc bà làm thêm mái tôn che mưa nhưng lại không làm đường thoát nước mưa là không đúng quy định của pháp luật dân sự và hai gia đình cũng là hàng xóm “tắt lửa tối đèn có nhau”, có câu “bán anh em xa mua láng giềng gần”; mặt khác nếu trường hợp mái tôn nhà ông Sáu làm nhà bà bị thấm nước như vậy thì bà sẽ xử lý như thế nào. Vì vậy, bà nên xem xét lại, làm thêm đường ống thoát nước để không làm ảnh hưởng đến nhà ông Sáu, không làm ảnh hưởng đến tình cảm của hai nhà, đồng thời đúng quy định của pháp luật.

Tình huống 3: Nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc thoát nước thải

Hộ nhà ông Lâm và bà Hòa là hai hộ liền kề trong cùng một xóm, có cùng lối đi chung. Hộ bà Hòa thường xuyên xả thải nước sinh hoạt (rửa rau, rửa chén, giặt quần áo, …) ra lối đi chung của 02 hộ làm ảnh hướng đến vệ sinh môi trường và hộ ông Lâm, nhất là vào mùa mưa. Hộ ông Lâm đã nhiều lần trao đổi, nhắc nhở nhưng hộ bà Hòa vẫn không khắc phục.  

Gợi ý xử lý tình huống:

1. Xác định mâu thuẫn, nguyên nhân

Hộ bà Hòa và ông Lâm đã xảy ra mâu thuẫn trong việc thoát nước thải, mâu thuẫn này thuộc lĩnh vực dân sự về nghĩa vụ tôn trọng ranh giới giữa các bất động sản. Nguyên nhân là do hộ bà Hòa chưa hiểu quy định của pháp luật về nghĩa vụ tôn trọng ranh giới giữa các bất động sản.

2. Phân tích

Hộ bà Hòa thường xuyên xả thải nước sinh hoạt (rửa rau, rửa chén, giặt quần áo, …) ra lối đi chung của hộ bà và hộ ông Lâm liền kề làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường và hộ ông Lâm, nhất là vào mùa mưa. Mặc dù, hộ ông Lâm đã nhiều lần trao đổi, nhắc nhở nhưng hộ bà Hòa vẫn không khắc phục là không đúng.

3. Căn cứ giải quyết

- Quy định pháp luật: Điều 251 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định Nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc thoát nước thải:“Chủ sở hữu nhà, công trình xây dựng khác phải làm cống ngầm hoặc rãnh thoát nước để đưa nước thải ra nơi quy định, sao cho nước thải không chảy tràn sang bất động sản của chủ sở hữu bất động sản liền kề, ra đường công cộng hoặc nơi sinh hoạt công cộng.”

- Đạo lý: Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau; bán anh em xa mua láng giềng gần.

4. Hướng giải quyết

Hòa giải viên gặp bà Hòa và giải thích cho bà hiểu việc bà xả thải nước sinh hoạt ra lối đi chung của hộ bà và hộ ông Lâm liền kề làm ảnh hướng đến vệ sinh môi trường và hộ ông Lâm là không đúng quy định của pháp luật dân sự và hai gia đình cũng là hàng xóm “tắt lửa tối đèn có nhau”, có câu “bán anh em xa mua láng giềng gần”. Vì vậy, bà Hòa nên thực hiện đúng quy định của pháp luật về việc thoát nước thải sinh hoạt.

Tình huống 4: Bảo đảm sự yên tĩnh chung trong khu dân cư.

Nhà anh An mới mua dàn máy karaoke và loa công suất lớn, vì vậy anh An rất thích rủ bạn bè về nhà để hát, có ngày hát đến 24 giờ (12 giờ đêm), gây ồn ào, ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của những nhà hàng xóm, nhất là những nhà có người lớn tuổi. Các gia đình hàng xóm, láng giềng đã nhiều lần góp ý, nhắc nhở nhưng anh An vẫn không chấm dứt hành vi trên nên giữa họ đã xảy ra xích mích, to tiếng với nhau.  

Gợi ý xử lý tình huống:

1. Xác định mâu thuẫn, nguyên nhân

Anh An và các gia đình hàng xóm đã xảy ra mâu thuẫn trong việc hát karaoke quá lớn, gây ồn ào. Nguyên nhân là do anh An chưa hiểu quy định của pháp luật về việc gây tiếng động lớn, làm ồn ào trong khu dân cư thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

2. Phân tích

Anh An hát karaoke quá 12 giờ đêm gây ồn ào, ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của các gia đình hàng xóm, láng giềng. Mặc dù, các gia đình hàng xóm, láng giềng đã nhiều lần góp ý, nhắc nhở nhưng anh An vẫn không chấm dứt hành vi trên là không đúng.

3. Căn cứ giải quyết

- Quy định pháp luật: Điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định 1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau.”

- Đạo lý: Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau; bán anh em xa mua láng giềng gần.

4. Hướng giải quyết

Hòa giải viên gặp anh An khuyên anh không nên mở nhạc quá to, điều này sẽ gây ồn ào, ảnh hưởng đến hàng xóm xung quanh, nhất là những người lớn tuổi; đồng thời cho anh An biết về hành vi của anh đã vi phạm điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, có thể bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Tình huống 5: Tình nghĩa vợ chồng

Anh Phú và chị Quý đã lấy nhau hơn 05 năm, có với nhau 02 con đang còn nhỏ. Gia đình nhà anh Phú và chị Quý đều nghèo nên cuộc sống của anh chị rất vất vả, ở nhà thuê, hàng ngày chị vừa chăm con vừa buôn bán tạp hóa nhỏ để kiếm sống, anh vừa làm nghề sửa chữa xe máy tại nhà thuê vừa phụ chị bán hàng. Tuy nhiên, gần đây do công việc sửa xe ế ẩm và bạn bè rủ rê đổi đời anh Phú lao vào số đề, chị Quý khuyên nhủ, thuyết phục chồng nhưng không được, hai vợ chồng thường xuyên cãi nhau to tiếng, gây mất trật tự trong khu dân cư, có lần anh không kiềm chế được đã đánh chị.

Gợi ý xử lý tình huống:

1. Xác định mâu thuẫn, nguyên nhân

Mâu thuẫn thuộc lĩnh vực hôn nhân và gia đình về tình nghĩa vợ chồng. Nguyên nhân là do anh Phú chưa làm tròn nghĩa vụ của người chồng, chưa có lập trường vững vàng, nghe theo lời bạn bè lao vào số đề.

2. Phân tích

Việc anh Phú chỉ vì cuộc sống khó khăn, gần đây công việc sửa xe ế ẩm và bạn bè rủ rê đổi đời mà lao vào số đề, chị Quý khuyên nhủ không nghe dẫn đến vợ chồng cãi nhau to tiếng, gây mất trật tự trong khu dân cư, thậm chí đã có lần đánh chị Quý là không đúng, không những gây thiệt hại cho gia đình vốn đã khó khăn mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.

3. Căn cứ giải quyết

- Quy định pháp luật:

+ Khoản 1 Điều 19 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định “Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.”

+ Điều 49 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình “Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.

2. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;

b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.”

 - Vận dụng câu tục ngữ:

 “Cờ bạc là bác thằng bần,

Cửa nhà tan nát, vợ con chia lìa”

4. Hướng giải quyết

Giải thích cho anh Phú hiểu một người chồng, người cha, anh Phú phải có trách nhiệm với gia đình. Hơn nữa, vợ khuyên nhũ không nghe, to tiếng, đánh vợ là không đúng. Là trụ cột trong gia đình, anh phải là tấm gương để con cái học tập, noi theo. Nếu tiếp tục tình trạng này sẽ làm cho tình cảm vợ chồng, cha con bị tổn thương, nhiều hệ lụy xảy ra, dẫn đến ly hôn, khi đó các con của anh sẽ là người chịu thiệt thòi nhất. Nếu có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 49 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP thì báo với UBND xã hoặc Công an xã để xử lý theo quy định pháp luật.

Tình huống 6: Quyền, nghĩa vụ về học tập, làm việc, tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của vợ chồng

Chị Nhung làm công tác xã hội nên thường xuyên làm việc ngoài giờ hành chính, đi sớm về muộn, ít có thời gian chăm sóc gia đình và các con, lương lại thấp. Vì vậy, anh Phát chồng chị Nhung rất khó chịu và thường chì chiết vợ. Chị Nhung đã rất nhiều lần nhịn chồng để không làm ảnh hưởng đến tình cảm vợ chồng và vì đam mê với công việc. Tuy nhiên, do gần đây anh Phát thường xuyên mắng chửi vợ nên giữa chị Nhung và anh Phát đã cãi, xô xát nhau.

Gợi ý xử lý tình huống:

1. Xác định mâu thuẫn, nguyên nhân

Mâu thuẫn thuộc lĩnh vực hôn nhân và gia đình trong việc chị Nhung ít có thời gian chăm sóc gia đình, con cái. Nguyên nhân là do chị Nhung làm công tác xã hội, thường xuyên làm việc ngoài giờ hành chính, đi sớm về muộn gây khó chịu cho anh Phát.

2. Phân tích

Việc anh Phát thường xuyên mắng chửi, chì chiết vợ chỉ vì vợ làm công tác xã hội, thường xuyên làm việc ngoài giờ hành chính, đi sớm về muộn là không đúng.

3. Căn cứ giải quyết

- Quy định pháp luật: Điều 23 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định “Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ tạo điều kiện, giúp đỡ nhau chọn nghề nghiệp; học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.”

 - Vận dụng câu ca dao:

 “Chồng giận thì vợ bớt lời

Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê”

4. Hướng giải quyết

Giải thích cho anh Phát hiểu việc chị Nhung về muộn là do công việc của cơ quan và khuyên anh Phát với tư cách là một người chồng, người trụ cột trong gia đình nên thông cảm cho công việc của vợ, giúp đỡ vợ trong công việc gia đình, tạo điều kiện, động viên để vợ tiến bộ trong công tác; đồng thời với trách nhiệm của một người chồng anh phải biết yêu thương, tôn trọng vợ.

Giải thích cho chị Nhung hiểu với trách nhiệm của một người vợ, người mẹ, chị hãy cố gắng thu xếp hợp lý việc cơ quan và gia đình để có thời gian chăm sóc chồng con, giữ gìn hành phúc gia đình. Đồng thời, khi anh Phát nóng giận chị nên nhẹ nhàng, tình cảm để tránh xảy ra xô xát, tổn thương nhau.

Tình huống 7: Quyền, nghĩa vụ của cha mẹ, của con và của các thành viên khác trong gia đình

Ngay từ khi con trai bà Do quyết định kết hôn với con dâu, bà Do đã không vui, nhiều năm sống chung bà Do thì khó tính, hay để ý, khắt khe với con dâu, con dâu bà Do thì nói năng thiếu lễ phép với mẹ chồng nên giữa bà và con dâu đã xảy ra mâu thuẫn, thường xuyên to tiếng với nhau mặc cho con trai, chồng giải thích, khuyên bảo.

Gợi ý xử lý tình huống:

1. Xác định mâu thuẫn, nguyên nhân

Mâu thuẫn thuộc lĩnh vực hôn nhân và gia đình trong việc giữa mẹ chồng và con dâu không chịu hòa hợp, nhường nhịn nhau. Nguyên nhân là do từ ban đầu mẹ chồng đã không có thành ý với con dâu, con dâu không lễ phép với mẹ chồng; hai người chưa hiểu hết quy định của pháp luật về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ, của con cái và của các thành viên khác trong gia đình.

2. Phân tích

Mẹ chồng và con dâu chỉ vì những việc lặt vặt trong gia đình mà mâu thuẫn, to tiếng với nhau là không đúng, làm ảnh hướng đến tình cảm mẹ chồng nàng dâu, hạnh phúc gia đình, làm cho người con, người chồng khó xử.

3. Căn cứ giải quyết

- Quy định pháp luật:

+ Về Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ được quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:“Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.”

+ Về Quyền và nghĩa vụ của con được quy định tại khoản 2 Điều 70 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:“Có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình.”

          + Về Quyền, nghĩa vụ giữa các thành viên khác của gia đình được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 103 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:

“1. Các thành viên gia đình có quyền, nghĩa vụ quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ, tôn trọng nhau. Quyền, lợi ích hợp pháp về nhân thân và tài sản của các thành viên gia đình quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan được pháp luật bảo vệ.

2. Trong trường hợp sống chung thì các thành viên gia đình có nghĩa vụ tham gia công việc gia đình, lao động tạo thu nhập; đóng góp công sức, tiền hoặc tài sản khác để duy trì đời sống chung của gia đình phù hợp với khả năng thực tế của mình.”.

- Vận dụng câu ca dao

“Mẹ anh khó lắm em ơi

Nhịn ăn, nhịn mặc, nhịn lời mẹ cha

Nhịn cho nên cửa, nên nhà

Nên kèo, nên cột, nên xà tầm vông”

4. Hướng giải quyết

Gặp gỡ từng bên, phân tích, thuyết phục các bên hiểu rõ điều hay, lẽ phải

- Với bà Do: Là mẹ chồng bà nên coi con dâu như con đẻ, yêu thương con dâu, ông bà ta có câu “dâu là con, rể là khách”. Bà cũng từng làm dâu nên hơn ai hết bà nên thông cảm và hiểu cho con dâu của mình còn “trẻ người non dạ”, bà nên vị tha, độ lượng, không nên khắt khe với con dâu, con dâu có điều gì không phải thì nhẹ nhàng dạy bảo để cuộc sống gia đình thoải mái, vui vẻ và con trai bà sẽ không phải đau khổ, khó xử vì mâu thuẫn giữa mẹ và vợ mình.

- Với con dâu bà Do: Nếu mẹ chồng có thái độ hoặc lời nói không đúng thì lựa lúc mẹ chồng vui vẻ cô giải thích để mẹ chồng hiểu và thông cảm. Việc cư xử thiếu lễ phép với mẹ chồng là sai. Là phận con, cô phải có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình, lắng nghe những lời dạy bảo đúng đắn của mẹ, yêu thương và kính trọng mẹ chồng cũng như mẹ đẻ.

Tình huống 8: Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định 

Anh Hát và chị Công sau một thời gian dài tìm hiểu, hai anh chị đã quyết định xin phép gia đình hai bên cho họ kết hôn với nhau. Song do trước đây, giữa mẹ anh Hát và mẹ chị Công có mâu thuẫn nên mẹ anh Hát cương quyết không cho anh cưới chị Công. Cho dù bị mẹ ngăn cản nhưng họ vẫn quyết tâm đến UBND xã để đề nghị đăng ký kết hôn, mẹ anh Hát biết chuyện đã đến UBND xã để cản trở, không cho hai người đăng ký kết hôn.

Gợi ý xử lý tình huống:

1. Xác định mâu thuẫn, nguyên nhân

Mẹ anh Hát vì mâu thuẫn với mẹ chị Công nên cương quyết không cho hai anh chị đăng ký kết hôn.

2. Phân tích

Việc mẹ anh Hát không cho anh và chị Công đăng ký kết hôn vì giữa bà và mẹ chị Công có mâu thuẫn là không đúng quy định pháp luật.

3. Căn cứ giải quyết

- Quy định pháp luật: điểm b khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cấm các hành vi “Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn”, điểm b khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định “Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định”.

- Vận dụng câu “Ép dầu ép mỡ, ai nỡ ép duyên”.

4. Hướng giải quyết

Vận dụng quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình để giải thích cho mẹ anh Hát hiểu việc anh Hát và chị Công kết hôn là tự nguyện, phù hợp với quy định của pháp luật; ai cản trở anh chị kết hôn là vi phạm quy định của pháp luật.

Với chị Công và anh Hát: Động viên anh chị nên bình tĩnh, không nóng vội, tủi thân mà quyết định từ bỏ hạnh phúc bằng tình yêu chân chính của nhau.

Tình huống 9: Bảo đảm an toàn khi cây cối, công trình có nguy cơ gây thiệt hại

Nhà ông Tuấn liền kề với nhà ông Tú. Gần phần đất giáp ranh giữa hai nhà, ông Tuấn trồng hai cây xoài, trong đó có một cây có nhiều cành vươn sang đất nhà ông Tú, vào mùa mưa gió có nguy cơ gãy, ngã làm hư hỏng mái nhà ông Tú hoặc ảnh hưởng đến tính mạng con người. Nhiều lần, ông Tú đề nghị ông Tuấn chặt các cành vươn sang đất nhà mình để tránh cây ngã đổ nhưng ông Tuấn không đồng ý. Hai bên mâu thuẫn, nhiều lần to tiếng, gây mất trật tự trong khu dân cư. Hàng xóm đã nhiều lần khuyên can nhưng không được, xung đột, mâu thuẫn có nguy cơ gia tăng cao.

Gợi ý xử lý tình huống:

1. Xác định mâu thuẫn, nguyên nhân

Giữa ông Tuấn với ông Tú đã xảy ra mâu thuẫn do cây xoài của nhà ông Tuấn có nhiều cành vươn sang đất nhà ông Tú, vào mùa mưa gió có nguy cơ gãy, ngã làm hư hỏng mái nhà ông Tú hoặc ảnh hưởng đến tính mạng con người, nhiều lần ông Tú đề nghị ông Tuấn chặt các cành vươn sang đất nhà mình để tránh cây ngã đổ nhưng ông Tuấn không đồng ý.

2. Phân tích

Theo quy định pháp luật, ông Tuấn trồng cây đã để cành cây vươn sang đất nhà ông Tú, vào mùa mưa gió có nguy cơ gãy, ngã làm hư hỏng mái nhà ông Tú hoặc ảnh hưởng đến tính mạng con người là sai. Ông Tú yêu cầu ông Tuấn chặt cành xoài vươn sang đất nhà mình là đúng.

3. Căn cứ giải quyết:

- Quy định pháp luật: Khoản 1 Điều 170 Luật Đất đai năm 2013 quy định Nghĩa vụ của người sử dụng đất: Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Khoản 1 và khoản 3 Điều 177 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định Bảo đảm an toàn trong trường hợp cây cối, công trình có nguy cơ gây thiệt hại, như sau:

“1. Trường hợp cây cối, công trình xây dựng có nguy cơ sập đổ xuống bất động sản liền kề và xung quanh thì chủ sở hữu tài sản thực hiện ngay các biện pháp khắc phục, chặt cây, sửa chữa hoặc dỡ bỏ công trình xây dựng đó theo yêu cầu của chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nếu không tự nguyện thực hiện thì chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho chặt cây, phá dỡ. Chi phí chặt cây, phá dỡ do chủ sở hữu cây cối, công trình xây dựng chịu.

3. Trường hợp gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì chủ sở hữu cây cối, công trình phải bồi thường.”

- Đạo lý: Vận dụng tục ngữ:

“Đất giăng dây, cây cắm sào”, nghĩa là: ngoài sử dụng bề mặt, còn có quyền sử dụng khoảng không theo chiều thẳng đứng cắm sào.

 “Bán anh em xa mua láng giềng gần”, “tối lửa tắt đèn có nhau”.

4. Hướng giải quyết:

Phân tích cho ông Tuấn hiểu về nghĩa vụ của người sử dụng đất đó là: Việc ông Tuấn để cành xoài vươn sang đất nhà ông Tú là sai về quyền được sử dụng chiều cao trên không theo phương thẳng đứng. Điều này vừa không đúng về lý theo quy định tại khoản 1 Điều 170 Luật Đất đai năm 2013, vừa trái với ông bà ta xưa nay thừa nhận “Đất giăng dây, cây cắm sào”.

Việc ông Tuấn không chịu chặt cành cây vươn sang nhà của ông Tú, vào mùa mưa gió có nguy cơ gãy, ngã làm hư hỏng mái nhà ông Tú hoặc ảnh hưởng đến tính mạng con người là trái với quy định của pháp luật theo Điều 177 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Động viên, thuyết phục ông Tuấn tự chặt cành cây ngả sang nhà ông Tú, đồng thời bỏ qua cho nhau những gì đã xảy ra, để hàng xóm lại “Tối lửa tắt đèn có nhau”.

Tình huống 10: Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức

Bảy đồng ý bán cho Tâm chiếc xe mô tô với giá 50 triệu đồng. Hai bên ký kết hợp đồng mua bán viết tay, tiến hành bàn giao tiền, giấy tờ đăng ký xe (có giấy biên nhận) nhưng chưa hoàn tất thủ tục sang tên đổi chủ. Tâm đề nghị với Bảy, hai hôm sau sẽ đến nhà Bảy để lấy xe vì hôm đó là ngày tốt. Hôm sau, tình cờ có người bạn lâu ngày đến chơi biết chuyện mua bán xe đã nói với Bảy không nên bán xe mô tô đó vì chiếc xe đó có biển số đẹp, màu sơn lại hợp phong thủy nên đem lại nhiều may mắn cho Bảy. Do vậy, Bảy đã sang nhà Tâm đề nghị hủy việc mua bán xe, trả lại tiền và xin nhận lại giấy tờ xe nhưng Tâm không đồng ý vì mặc dù biết giá 50 triệu là đắt nhưng bản thân Tâm cũng rất thích chiếc xe với biển số đẹp và màu sơn cũng hợp phong thủy. Hai bên lời qua tiếng lại, xảy ra mâu thuẫn, xung đột.

Gợi ý xử lý tình huống:

1. Xác định mâu thuẫn, nguyên nhân

Mâu thuẫn trong việc thỏa thuận mua bán xe mô tô giữa Bảy và Tâm thuộc lĩnh vực dân sự là do các bên chưa hiểu hết quy định của pháp luật trong việc mua bán tài sản.

2. Phân tích

Việc mua bán xe mô tô giữa Bảy và Tâm là một giao dịch dân sự, theo quy định phải được lập bằng văn bản và công chứng hoặc chứng thực nhưng các bên đã chưa thực hiện dẫn đến người bán là Bảy đổi ý, đòi trả tiền lấy lại xe.

Hợp đồng mua bán xe mô tô viết tay giữa Bảy và Tâm với giá 50 triệu đồng là vi phạm một trong các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng nên giao dịch dân sự giữa hai bên chưa có hiệu lực, bên bán có quyền đòi lại chiếc xe và hoàn trả lại tiền. Tuy nhiên, người mua là Tâm đã giao đủ 50 triệu đồng cho Bảy (hơn 2/3 nghĩa vụ trong giao dịch) nên theo quy định của pháp luật dân sự giao dịch này không bị xem là vô hiệu. Bảy cũng có sai là thay đổi ý định của mình, khi đã nhận tiền và giao giấy đăng ký xe, làm giấy tay mua bán. Tâm cũng có sai vì chưa tuân thủ pháp luật trong việc mua, bán xe.

3. Căn cứ giải quyết

- Quy định pháp luật:

+ Điều 177 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

“1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.”

+ Điều 122 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định Giao dịch dân sự vô hiệu “Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 của Bộ luật này thì vô hiệu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác.”

+ Điều 129 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định

“Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:

1. Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.

2. Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.”

- Đạo lý: Hàng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau; một lần bất tín vạn lần bất tin.

4. Hướng giải quyết

Căn cứ quy định của pháp luật, hòa giải viên gặp gỡ để phân tích cho Bảy hiểu rằng: Hợp đồng mua bán xe giữa Bảy và Tâm, theo quy định phải được lập bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Nếu Bảy và Tâm không thực hiện việc công chứng hoặc chứng thực thì hợp đồng được xem là vô hiệu. Tuy nhiên, trong trường hợp này, giao dịch dân sự giữa Bảy và Tâm đã được lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực, trong khi đó Tâm đã giao đủ 50 triệu đồng cho Bảy thì giao dịch này vẫn có hiệu lực. Do vậy, Bảy không có quyền đòi lại xe đã bán; đồng thời khuyên Tâm nên cân nhắc lại, khi mua tài sản là chiếc xe mô tô quan trọng như vậy mà gặp chuyện không vui thì khi sử dụng cũng không thoải mái, hơn nữa hàng xóm láng giềng thường xuyên gặp nhau nên vui vẻ, hòa thuận với nhau.

Tình huống 11: Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản do người khác đánh rơi

Trên đường đi làm về gần đến nhà, anh Thiện nhặt được một hộp nhỏ, trong đó có một cái điện thoại mới, giá tầm 10 triệu, chưa được lắp sim nhưng bị bể một góc màn hình ngoài. Anh Thiện đã liên hệ với Công an xã gần nhất để thông báo cho người bị mất biết đến nhận. Hơn một năm sau không có ai đến nhận nên anh đã thay màn hình mới hết 3 triệu và cho con anh dùng để học online. Tình cờ bạn của con nhận ra đó là điện thoại ba mình là ông Thanh mua cho mình dùng nhưng trên đường đi mua về đã bị đánh rơi, nên hôm sau ông Thanh tìm đến nhà anh Thiện đề nghị trả lại điện thoại. Anh Thiện đồng ý trả lại cho ông Thanh nhưng đề nghị ông Thanh trả lại 3 triệu đồng thay màn hình. Ông Thanh không đồng ý trả 3 triệu đồng nên hai bên đã lời qua tiếng lại gây mâu thuẫn, tranh chấp.

Gợi ý xử lý tình huống:

1. Xác định mâu thuẫn, nguyên nhân

Mâu thuẫn liên quan đến xác lập quyền sở hữu với vật do người khác đánh rơi thuộc lĩnh vực dân sự là do ông Thanh chưa hiểu quy định của pháp luật.

2. Phân tích

Khi nhặt được điện thoại anh Thiện đã đến Công an xã gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết và trong một năm ông đã bảo quản máy, sau một năm không có ai đến nhận máy, thì tài sản thuộc về người nhặt được là anh Thiện. Do khi nhặt được một góc màn hình ngoài bị bể anh Thiện đã bỏ ra 3 triệu để thay màn hình. Khi ông Thanh phát hiện điện thoại này của mình và đã đòi lại thì anh Thiện vẫn đồng ý cho ông Thanh nhận lại và chỉ yêu cầu ông Thanh trả lại 3 triệu đồng tiền đã thay màn hình, điều này hoàn toàn hợp lý. Ông Thanh chưa hiểu quy định của pháp luật về quyền sở hữu đối với tài sản do người khác đánh rơi nên không đồng ý với đề nghị của anh Thiện.

3. Căn cứ giải quyết

- Quy định pháp luật: Điều 230 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

“1. Người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó; nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.

Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã đã nhận tài sản phải thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu.

2. Sau 01 năm, kể từ ngày thông báo công khai về tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định như sau:

a) Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bỏ quên có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người nhặt được được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó theo quy định của Bộ luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; trường hợp tài sản có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước;

b) Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì tài sản đó thuộc về Nhà nước; người nhặt được tài sản được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.” 

- Đạo lý: Nhặt được của rơi trả người đánh mất; có qua có lại mới toại lòng nhau.

4. Hướng giải quyết

Phân tích cho ông Thanh hiểu việc anh Thiện nhặt được điện thoại của ông và báo với chính quyền địa phương là đúng quy định của pháp luật, sau một năm không có chủ sở hữu đến nhận thì tài sản này thuộc về người nhặt được là anh Thiện. Khi ông Thanh xác định đây là điện thoại của ông thì anh Thiện đã nghĩ đến đạo lý “Nhặt được của rơi trả người đánh mất” mà đồng ý trả lại điện thoại cho ông Thanh. Nhưng anh Thiện đã bỏ ra 3 triệu đồng để thay màn hình mới đó màn hình bị bể một góc, do đó việc anh Thiện yêu cầu ông Thanh trả lại số tiền 3 triệu đã thay màn hình là hoàn toàn hợp lý.

Tình huống 12: Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra

Gia đình ông Hạnh có nuôi một con trâu mộng. Một đêm bão, gió to, chuồng trâu bị ngã sụp, may mắn con trâu chạy ra khỏi chuồng và vô tình chạy sang ruộng khoai lang nhà bà Phúc ăn hết 5 luống khoai. Sáng ra bà Phúc phát hiện con trâu đang nằm no kễnh bên ruộng khoai nhà bà nên đã giữ lại và yêu cầu ông Hạnh bồi thường thiệt hại do con trâu gây ra. Tuy nhiên, ông Hạnh chỉ đồng ý đền bù cho bà một nữa vì ông cho rằng ông không tự thả trâu vào ruộng khoai nhà bà mà do trâu xổng chuồng tự phá hoại, giữa ông Hạnh và bà Phúc đã xảy ra mâu thuẫn.

Gợi ý xử lý tình huống:

1. Xác định mâu thuẫn, nguyên nhân

Mẫu thuẫn giữa ông Hạnh và bà Phúc trong việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra, thuộc lĩnh vực dân sự.

2. Phân tích

Con trâu của nhà ông Hạnh vì bị xổng chuồng nên đã ăn hết 05 luống khoai của nhà bà Phúc chứ ông Hạnh không cố ý để con trâu ăn; mặc dù việc này đã gây thiệt hại về kinh tế cho nhà bà Phúc. Con trâu là của ông Hạnh, ông Hạnh là chủ sở hữu súc vật thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

3. Căn cứ giải quyết

- Quy định pháp luật:

+ Khoản 1 Điều 603 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

+ Khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 585 Bộ Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

“1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.”

- Đạo lý: bà con xa không bằng láng giềng gần; hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau.

4. Hướng giải quyết

Phân tích và giải thích cho ông Hạnh hiểu việc để trâu nhà mình vào ăn 5 luống khoai nhà bà Phúc cho dù đó là lỗi vô ý thì cũng trái quy định pháp luật và phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.

Giải thích cho bà Phúc hiểu về việc con trâu nhà ông Hạnh vào ăn luống khoai nhà bà là do lý do khách quan, nhà ông Hạnh cũng bị thiệt hại sau cơn bão (bị sập chuồng trâu) chứ không phải cố ý thả trâu vào ăn ruộng khoai nhà bà.

Hơn nữa, hai người là người cùng xóm, tối lửa tắt đèn có nhau, thiệt hại xảy ra là ngoài ý muốn cả cả hai ông, bà. Do vậy, việc bà đòi bồi thường toàn bộ thiệt hại là không nên và cũng không hay nên hai gai đình có thể thỏa thuận mức bồi thường, hình thức bồi thường thiệt hại vừa hợp lý, hợp tình nhằm giữ gìn tình làng, nghĩa xóm.

Tình huống 13: Xác lập quyền sở hữu đối với gia súc bị thất lạc

Khi phát hiện có con bò lạc vào đàn bò của nhà ông Lý, ông Lý đã báo với UBND xã biết để thông báo trên loa truyền thanh của xã, rồi đưa bò về nhà nuôi. Hai tháng sau, ông Bình là chủ của con bò bị thất lạc đã đến gặp ông Lý để xin lại con bò. Ông Lý đồng ý trả lại con bò và phí nuôi giữ con bò trong hai tháng. Ông Bình không đồng ý, giữa hai người đã xảy ra mâu thuẫn.

1. Xác định mâu thuẫn, nguyên nhân

Mẫu thuẫn giữa ông Lý và ông Bình trong việc xác lập quyền sở hữu đối với gia súc bị thất lạc, thuộc lĩnh vực dân sự là do ông Bình chưa hiểu hết quy định của pháp luật về xác lập quyền sở hữu đối với gia súc bị thất lạc.

2. Phân tích

Ông Lý khi phát hiện con bò bị lạc vào nhà mình, ông đã làm đúng quy định của pháp luật là báo với chính quyền địa phương và nuôi dưỡng con bò chờ chủ sở hữu tới nhận. Khi ông Bình là chủ sở hữu con bò đến nhận thì ông Lý đồng ý trả bò và yêu cầu ông Bình thanh toán tiền công và chi phí nuôi dưỡng con bò trong hai tháng ở nhà ông, điều này hợp lý. Tuy nhiên, ông Bình chưa hiểu hết quy định của pháp luật liên quan cũng như đạo lý nên đã mâu thuẫn với ông Lý.

3. Căn cứ giải quyết

- Quy định pháp luật: Điều 231 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

“1. Người bắt được gia súc bị thất lạc phải nuôi giữ và báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Sau 06 tháng, kể từ ngày thông báo công khai hoặc sau 01 năm đối với gia súc thả rông theo tập quán thì quyền sở hữu đối với gia súc và số gia súc được sinh ra trong thời gian nuôi giữ thuộc về người bắt được gia súc.

2. Trường hợp chủ sở hữu được nhận lại gia súc bị thất lạc thì phải thanh toán tiền công nuôi giữ và các chi phí khác cho người bắt được gia súc. Trong thời gian nuôi giữ gia súc bị thất lạc, nếu gia súc có sinh con thì người bắt được gia súc được hưởng một nửa số gia súc sinh ra hoặc 50% giá trị số gia súc sinh ra và phải bồi thường thiệt hại nếu có lỗi cố ý làm chết gia súc.”.

- Đạo lý: Có qua có lại mới toại lòng nhau; một điều nhịn, chín điều lành.

4. Hướng giải quyết

Phân tích cho ông Bình thấy rằng việc ông không chịu thanh toán tiền nuôi dưỡng và chi phí nuôi con trâu trong hai tháng cho ông Lý là không hợp lý; pháp luật quy định trường hợp này ông phải có nghĩa vụ trả tiền nuôi dưỡng bò và các chi phí khác cho ông Lý.

Tình huống 14: Xác lập quyền sở hữu đối với gia cầm bị thất lạc

Bà Hà nuôi một đàn vịt có 50 con. Một hôm lùa đàn vịt về, bà thấy có 10 con vịt lạ lạc vào đàn vịt của mình, bà Hà hỏi các gia đình nuôi vịt gần đó và báo với UBND xã, thông báo trên loa truyền thanh xã nhưng mãi không có ai đến nhận nên bà phải nuôi 10 con vịt lạc đó. Mười ngày sau, bà Hoàng ở thôn trên đến xin lại 10 con vịt bị lạc, bà Hà đồng ý trả vịt, bà Hoàng yêu cầu bà Hà trả lại số trứng mà 10 con vịt đẻ trong 10 ngày đó nhưng bà Hà không đồng ý, giữa hai người xảy ra mâu thuẫn.

1. Xác định mâu thuẫn, nguyên nhân

Mẫu thuẫn giữa bà Hà và bà Hoàng trong việc xác lập quyền sở hữu đối với gia cầm bị thất lạc, thuộc lĩnh vực dân sự là do bà Hoàng chưa hiểu hết quy định của pháp luật về xác lập quyền sở hữu đối với gia cầm bị thất lạc.

2. Phân tích

Bà Hà khi phát hiện có 10 con vịt lạ bị lạc vào bầy vịt nhà bà, bà đã báo với UBND xã để thông báo cho chủ sở hữu biết nhận lại. Trong thời gian chờ chủ sở hữu nhận lại thì bà đã bỏ công nuôi dưỡng 10 con vịt đó. Bà Hoàng là chủ sở hữu 10 con vịt bị lạc, khi bà Hoàng nhận lại vịt thì đòi bà Hà trả lại số trứng vịt trong mười ngày bà Hà nuôi dưỡng là không hợp lý, trong khi bà Hà đã không yêu cầu bà Hoàng trả chi phí nuôi dưỡng mà chỉ bù vào số trứng 10 con vịt đẻ.

3. Căn cứ giải quyết

- Quy định pháp luật: Điều 232 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

“1. Trường hợp gia cầm của một người bị thất lạc mà người khác bắt được thì người bắt được phải thông báo công khai để chủ sở hữu gia cầm biết mà nhận lại. Sau 01 tháng, kể từ ngày thông báo công khai mà không có người đến nhận thì quyền sở hữu đối với gia cầm và hoa lợi do gia cầm sinh ra trong thời gian nuôi giữ thuộc về người bắt được gia cầm.

2. Trường hợp chủ sở hữu được nhận lại gia cầm bị thất lạc thì phải thanh toán tiền công nuôi giữ và chi phí khác cho người bắt được gia cầm. Trong thời gian nuôi giữ gia cầm bị thất lạc, người bắt được gia cầm được hưởng hoa lợi do gia cầm sinh ra và phải bồi thường thiệt hại nếu có lỗi cố ý làm chết gia cầm.”

- Đạo lý: Có qua có lại mới toại lòng nhau; một điều nhịn, chín điều lành.

4. Hướng giải quyết

Giải thích cho bà Hoàng hiểu theo quy định pháp luật về dân sự khi bà nhận lại vịt bị thất lạc phải thanh toán tiền công nuôi dưỡng và các chi phí phát sinh khác cho bà Hà và trong thời gian nuôi dưỡng đó bà Hà được quyền hưởng hoa lợi do gia cầm sinh ra, có nghĩa là hưởng số trứng do 10 con vịt bị thất lạc sinh ra. Bà Hà đã không yêu cầu bà trả tiền công nuôi dưỡng và các chi phí phát sinh khác là đã tình cảm với bà.

Tình huống 15: Trổ cửa nhìn sang bất động sản liền kề

Nhà bà Phương có khu đất liền kề nhà bà Hiếu. Trước khi xây dựng nhà, bà Phương đã làm thủ tục xin cấp phép xây dựng và đã được cấp phép. Khi xây đến tầng 2 nhà bà Hiếu phản đối với lý do bà Phương mở cửa sổ nhìn sang phần đất nhà bà, khi mở cửa sổ sẽ lấn sang phần ngõ đi chung (rộng 2,5m) của một số gia đình liền kề trong đó có nhà bà Hiếu. Bà Phương cho rằng bà xây nhà theo giấy phép được UBND thành phố phê duyệt nên việc bà Hiếu không đồng ý là không có cơ sở, giữa hai bà đã lời qua tiếng lại, mâu thuẫn.

Gợi ý xử lý tình huống

1. Xác định mâu thuẫn, nguyên nhân

Mâu thuẫn giữa bà Phương và bà Hiếu trong việc bà Phương xây nhà trổ cửa sổ nhìn sang đất bà Hiếu, thuộc lĩnh vực dân sự. Nguyên nhân là do bà Phương chưa hiểu hết quy định pháp luật dân sự trong việc trổ cửa nhìn sang bất động sản liền kề.

2. Phân tích

Bà Phương và bà Hiếu là hàng xóm; việc bà Phương xây dựng nhà trổ cửa sổ nhìn sang đất bà Hiếu và ảnh hưởng đến ngõ đi chung của các hộ gia đình khác là không đúng, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác là vi phạm pháp luật.

 3. Căn cứ giải quyết

- Quy định pháp luật:

+ Điều 178 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “Trổ cửa nhìn sang bất động sản liền kề

1. Chủ sở hữu nhà chỉ được trổ cửa ra vào, cửa sổ quay sang nhà bên cạnh, nhà đối diện và đường đi chung theo quy định của pháp luật về xây dựng.

2. Mặt dưới mái che trên cửa ra vào, mặt dưới mái che cửa sổ quay ra đường đi chung phải cách mặt đất từ 2,5 mét trở lên.”

+ Khoản 2 Điều 175 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “Người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác.”

+ Khoản 3 Điều 176 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “Đối với mốc giới là tường nhà chung, chủ sở hữu bất động sản liền kề không được trổ cửa sổ, lỗ thông khí hoặc đục tường để đặt kết cấu xây dựng, trừ trường hợp được chủ sở hữu bất động sản liền kề đồng ý.

Trường hợp nhà xây riêng biệt nhưng tường sát liền nhau thì chủ sở hữu cũng chỉ được đục tường, đặt kết cấu xây dựng đến giới hạn ngăn cách tường của mình….”

- Đạo lý: Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau; bán anh em xa, mua láng giềng gần.

4. Hướng giải quyết

Phân tích để bà Phương hiểu việc bà Phương xây nhà trổ cửa sổ nhìn sang đất nhà bà Hiếu và ảnh hướng đến ngõ đi chung của hàng xóm là không đúng quy định của pháp luật./.

Cơ quan chủ quản: Xã Xuân Thành- Huyện Xuân Trường
Địa chỉ: Xã Xuân Thành- Huyện Xuân Trường - Tỉnh Nam Định
Email: xaxuanthanh.xtg@namdinh.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang