image advertisementanh tin baiimage advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
anh tin bai
image advertisement
image advertisement
image advertisement
anh tin bai

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Các tình huống về luật hộ tịch
Lượt xem: 208

Tình huống 1: Giấy tờ phải nộp và xuất trình khi đăng ký khai sinh

Anh A và chị B kết hôn năm 2020, anh A có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Gia Lai, chị B có hộ khẩu thường trú tại xã X, huyện Y, tỉnh Quảng Ngãi. Chị B mới sinh con trai được 1 tuần tại Bệnh viện đa khoa T, được Bệnh viện đa khoa T cấp giấy chứng sinh. Do anh A không có hộ khẩu thường trú tại xã X nên anh A muốn biết anh có thể đăng ký khai sinh cho con tại UBND xã X được hay không và anh phải nộp, xuất trình những giấy tờ gì khi đi đăng ký khai sinh cho con mình?

Trả lời:

1.Theo quy định tại Điều 13 Luật Hộ tịch năm 2014 : “Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh, chị B (là mẹ của em bé) có hộ khẩu thường trú tại xã X, huyện Y, tỉnh Quảng Ngãi, do đó anh A có thể đến UBND xã X để làm thủ tục khai sinh cho con trai mình.

2. Giấy tờ phải nộp và xuất trình khi đăng ký khai sinh

Điều 9 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định:

1. Người yêu cầu đăng ký khai sinh nộp các giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 của Luật Hộ tịch khi đăng ký khai sinh tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã) hoặc các giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 36 của Luật Hộ tịch khi đăng ký khai sinh tại Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp huyện).

2. Người yêu cầu đăng ký khai sinh xuất trình giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này. Trường hợp cha, mẹ của trẻ đã đăng ký kết hôn thì còn phải xuất trình giấy chứng nhận kết hôn

Khoản 1 Điều 16 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định: “Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật

Khoản 1 Theo Điều 2 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định: “Người yêu cầu đăng ký hộ tịch, cấp bản sao trích lục hộ tịch xuất trình bản chính một trong các giấy tờ là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng (sau đây gọi là giấy tờ tùy thân) để chứng minh về nhân thân. Trong giai đoạn chuyển tiếp, người yêu cầu đăng ký hộ tịch phải xuất trình giấy tờ chứng minh nơi cư trú

Theo qy định trên thi anh A phải:

* Xuất trình các giấy tờ sau:

- Bản chính một trong các giấy tờ là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng (gọi là giấy tờ tùy thân) để chứng minh về nhân thân.

- Trong giai đoạn chuyển tiếp, anh A phải xuất trình giấy tờ chứng minh nơi cư trú.

- Giấy chứng nhận kết hôn của vợ chồng anh

* Nộp các giấy tờ sau:

- Tờ khai đăng ký khai sinh theo mẫu quy định

- Giấy chứng sinh

Tình huống 2: Việc đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ

H là sinh viên, trong thời gian học tập tại trường, H mang thai. H chưa đăng ký kết hôn với ai, do đó H rất lo lắng và không biết việc đăng ký khai sinh cho con của mình được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Điều 15 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định về việc đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ như sau:

1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ đang cư trú có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ.

2. Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống.

3. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh người cha yêu cầu làm thủ tục nhận con theo quy định tại Khoản 1 Điều 25 của Luật Hộ tịch thì Ủy ban nhân dân kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh; nội dung đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 của Nghị định này.

4. Trường hợp trẻ chưa xác định được mẹ mà khi đăng ký khai sinh cha yêu cầu làm thủ tục nhận con thì giải quyết theo quy định tại Khoản 3 Điều này; phần khai về mẹ trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ em để trống.

5. Thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ không thuộc diện bị bỏ rơi, chưa xác định được cha và mẹ được thực hiện như quy định tại Khoản 3 Điều 14 của Nghị định này; trong Sổ hộ tịch ghi rõ “Trẻ chưa xác định được cha, mẹ””

H chưa đăng ký kết hôn với ai, con của H thuộc trường hợp chưa xác định được cha, do đó việc đăng ký khai sinh sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP nêu trên.

Tình huống 3:

Hai năm trước chị N có sinh một bé gái, nhưng tại thời điểm đó do mâu thuẫn với chị N nên cha của cháu bé đã bỏ đi. Chị N chưa đăng ký kết hôn với ai, trong giấy khai sinh của con chị để trống thông tin về người cha. Hiện nay cha của cháu bé quay về hàn gắn với chị N, hai người đã làm thủ tục đăng ký kết hôn, cha của cháu muốn bổ sung thông tin về người cha vào giấy khai sinh của con thì có phải thực hiện thủ tục nhận cha, con hay không?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch: “Trường hợp con do người vợ sinh ra trước thời điểm đăng ký kết hôn, đã được đăng ký khai sinh nhưng không có thông tin về người cha, nay vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì không phải làm thủ tục nhận cha, con mà làm thủ tục bổ sung hộ tịch để ghi bổ sung thông tin về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh của người con” chị N và chồng có văn bản thừa nhận cháu bé nêu trên là con chung thì không phải làm thủ tục nhận cha, con mà làm thủ tục bổ sung hộ tịch để ghi bổ sung thông tin về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh của cháu.

Tình huống 4: Xác định lại dân tộc

Vợ chồng ông A (dân tộc Kinh), bà B (dân tộc Dao) có 01 người con trai là Q. Khi đăng ký khai sinh cho Q, ông A và bà B đã thống nhất lấy dân tộc của Q là dân tộc Dao theo dân tộc của mẹ. Việc lấy dân tộc của Q theo dân tộc của mẹ đẻ không có vấn đề gì cho đến khi Q học lớp 11 (17 tuổi), trong một lần ông A uống rượu với nhóm bạn cùng quê, biết chuyện con trai ông A lấy dân tộc theo dân tộc của mẹ, nhóm bạn đã chế giễu, nói rằng như vậy ông A sẽ mất gốc, không có người thờ tự sau này. Bức xúc với lời chế giễu của bạn bè, về đến nhà ông A đã quát mắng vợ, con và yêu cầu bà B ra ngay UBND xã để đề nghị xác định lại dân tộc của Q sang dân tộc Kinh theo dân tộc của cha đẻ, nhưng bà B và Q không đồng ý, nói rằng để dân tộc của Q là dân tộc Dao sẽ thuận lợi hơn cho Q vì được hưởng nhiều ưu đãi của Nhà nước đối với người dân tộc ít người. Giữa ông A, bà B và cháu Q không thống nhất được nên đã xảy ra mâu thuẫn.

Hỏi: Quyền xác định lại dân tộc của cá nhân được quy định như thế nào? Cơ quan nào có thẩm quyền xác định lại dân tộc của Q? Ông A có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác định lại dân tộc của Q sang dân tộc Kinh theo dân tộc của mình mặc dù không có sự đồng ý của Q hay không?

Trả lời:

- Về quyền xác định lại dân tộc:

Khoản 1, khoản 3 và khoản 4 Điều 29 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền xác định lại dân tộc như sau:

1. Cá nhân có quyền xác định, xác định lại dân tộc của mình.

3. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định lại dân tộc trong trường hợp sau đây:

a) Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau;

b) Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp con nuôi đã xác định được cha đẻ, mẹ đẻ của mình

4. Việc xác định lại dân tộc cho người từ đủ mười lăm tuổi đến dưới mười tám tuổi phải được sự đồng ý của người đó”.

- Cơ quan có thẩm quyền xác định lại dân tộc:

Theo quy định tại khoản 3 Điều 46 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định: “Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch  cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước; xác định lại dân tộc” thì UBND cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của Q có thẩm quyền xác định lại dân tộc cho Q

Ông A có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác định lại dân tộc của Q sang dân tộc Kinh theo dân tộc của mình mặc dù không có sự đồng ý của Q hay không?

Khoản 4 Điều 29 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Việc xác định lại dân tộc cho người từ đủ mười lăm tuổi đến dưới mười tám tuổi phải được sự đồng ý của người đó. Q đã 17 tuổi, do đó nếu không được sự đồng ý của Q thì ông A không có quyền yêu cầu xác định lại dân tộc của Q từ dân tộc của mẹ đẻ sang dân tộc của cha đẻ.

Tình huống 5: Thay đổi hộ tịch

Chị Hoa và anh Nam có 1 đứa con chung 5 tuổi. Sau khi ly hôn với anh Nam, do không muốn con mang theo họ của anh Nam, chị Hoa tới UBND xã làm thủ tục thay đổi họ của con từ họ của anh Nam (người cha) sang họ của chị Hoa (người mẹ). Tuy nhiên, UBND xã yêu cầu phải có sự đồng ý của anh Nam thì chị Hoa mới được làm thủ tục thay đổi họ cho con. Chị Hoa cho rằng chị và anh Nam đã ly hôn, chị có quyền tự mình yêu cầu thay đổi họ cho con mà không cần có sự đồng ý của anh Nam. Chị Hoa hỏi việc UBND xã yêu cầu phải có sự đồng ý của anh Nam khi chị làm thủ tục thay đổi họ cho con có đúng hay không?

Trả lời:

 Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định: “Việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 của Luật Hộ tịch phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong Tờ khai; đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên thi còn phải có sự đồng ý của người đó”. Con chung của chị Hoa và anh Nam hiện nay 5 tuổi, do đó việc thay đổi họ cho con của chị Hoa và anh Nam phải có sự đồng ý của cả anh Nam và chị Hoa, việc đồng ý này được thể hiện trong Tờ khai đăng ký việc thay đổi hộ tịch. Do đó, việc UBND xã yêu cầu phải có sự đồng ý của anh Nam khi chị Hoa làm thủ tục thay đổi họ cho con của anh, chị là đúng quy định của pháp luật.

Tình huống 6:

Anh Bình và chị Yên có đăng ký kết hôn với nhau. Tuy nhiên, do mâu thuẫn nên anh Bình và chị Yên đã không sống chung gần 01 năm, 2 anh chị vẫn chưa làm thủ tục ly hôn. Trong thời gian này, chị Yên có quen biết với anh Tam. Vào tuần trước, chị Yên sinh một bé gái, Chị Yên cho rằng bé gái này không phải là con chung giữa chị và anh Bình mà là con của chị và anh Tam. Chị Yên tới UBND xã để đăng ký khai sinh cho con gái và yêu cầu phần khai về người cha trong giấy khai sinh sẽ ghi thông tin của anh Tam có được hay không?

Trả lời:

Con gái của chị Yên được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân của chị và anh Bình. Theo quy định tại khoản 4, Điều 16 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch: “Trường hợp con do người vợ sinh ra hoặc có thai trong thời kỳ hôn nhân nhưng vợ hoặc chồng không thừa nhận là con chung hoặc người khác muốn nhận con thì do Tòa án nhân dân xác định theo quy định pháp luật. Trường hợp Tòa án nhân dân từ chối giải quyết thì cơ quan đăng ký hộ tịch tiếp nhận, giải quyết yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em chưa xác định được cha hoặc đăng ký nhận cha, con, hồ sơ phải có văn bản từ chối giải quyết của Tòa án và chứng cứ chứng minh quan hệ cha, con theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Thông tư này”, khi chị Yên không thừa nhận đứa trẻ là con chung của chị và anh Bình thì trước tiên chị Yên phải yêu cầu toà án nhân dân xác định theo quy định pháp luật. Trường hợp Tòa án nhân dân từ chối giải quyết và anh Tam đăng ký nhận cha, con thì phần khai về người cha trong giấy khai sinh của con chị Yên mới được ghi thông tin của anh Tam.

Tình huống 7: Cải chính hộ tịch

Anh Huy sinh năm 1990, trước đây mẹ của anh đã làm thủ tục đăng ký khai sinh cho anh tại UBND xã X. Tuy nhiên, khi đi đăng ký nhập khẩu, cha của anh Huy đã khai nhầm năm sinh của anh Huy là năm 1991. Hiện nay sổ hộ khẩu và giấy tờ tuỳ thân của anh Huy đều có thông tin năm sinh là 1991. Anh Huy muốn biết, anh có thể làm thủ tục cải chính phần khai về năm sinh trong giấy khai sinh (từ năm 1990 thành năm 1991) để phù hợp với sổ hộ khẩu và giấy tờ tuỳ thân của anh được hay không?

 Trả lời:

 Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định: “Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó

Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định: “Cải chính hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch là việc chỉnh sửa thông tin cá nhân trong Sổ hộ tịch hoặc trong bản chính giấy tờ hộ tịch và chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ để xác định có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch

Khoản 1 Điều 17 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định: “Việc cải chính hộ tịch chỉ được giải quyết sau khi xác định có sai sót khi đăng ký hộ tịch; không cải chính nội dung trên giấy tờ hộ tịch đã được cấp hợp lệ nhằm hợp thức hóa thông tin trên hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác

 Theo tình huống, việc đăng ký khai sinh của anh Huy là đúng quy định, không có sự sai sót về nội dung năm sinh. Do đó, anh Huy không thể yêu cầu cải chính phần khai về năm sinh trong giấy khai sinh (từ năm 1990 thành năm 1991) để hợp thức hoá thông tin về năm sinh trong sổ hộ khẩu và giấy tờ tuỳ thân của anh.

Tình huống 8: Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân

Ngày 20/11/2021, anh C được UBND xã X cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân với mục đích để “làm hồ sơ vay vốn ngân hàng”. Tuy nhiên, sau đó do không có nhu cầu vay vốn nữa nên anh C chưa sử dụng đến Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân này. Đến ngày 05/12/2021, anh C và chị D đến UBND xã Y (nơi cư trú của chị D) làm thủ tục đăng ký kết hôn, anh C có thể sử dụng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do UBND xã X cấp ngày 20/11/2021 để làm thủ tục đăng ký kết hôn được không?

Trả lời:

 Theo quy định tại khoản 3 Điều 23 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch: “Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân không có giá trị khi sử dụng vào mục đích khác với mục đích ghi trong Giấy xác nhận” thì anh C không thể sử dụng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do UBND xã X cấp ngày 20/11/2021 cho anh C với mục đích “làm hồ sơ vay vốn ngân hàng” để làm thủ tục đăng ký kết hôn.

Tình huống 9:Việc ủy quyền xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân

Anh T có hộ khẩu thường trú tại xã X, huyện Y, tỉnh Quảng Ngãi. Đầu năm 2021, anh T đến tỉnh Bình Dương làm công nhân. Sắp tới, anh chuẩn bị kết hôn với chị H, cùng làm công nhân tại công ty. Tuy nhiên, do không có điều kiện kinh tế để về quê xin Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân nên anh T muốn uỷ quyền cho bố đẻ - hiện đang sinh sống tại xã X đến Uỷ ban nhân dân xã xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho anh có được hay không?

Trả lời:

 Khoản 1 Điều 2 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịchquy định: “Người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch, cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, yêu cầu đăng ký các việc hộ tịch theo quy định tại Điều 3 Luật hộ tịch (sau đây gọi là yêu cầu đăng ký hộ tịch) được uỷ quyền cho người khác thực hiện thay; trừ trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký lại việc kết hôn, đăng ký nhận cha, mẹ, con thì không được ủy quyền cho người khác thực hiện, nhưng một bên có thể trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền, không phải có văn bản ủy quyền của bên còn lại. Việc ủy quyền phải lập thành văn bản, được chứng thực theo quy định của pháp luật. Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải chứng thực”. Do đó, anh T có thể ủy quyền cho bố anh đến UBND xã X xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho anh. Việc ủy quyền phải lập thành văn bản, tuy nhiên, người được ủy quyền là bố của anh T nên văn bản ủy quyền không phải chứng thực.

Tình huống 10: Thủ tục đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài

Chị E là công dân Việt Nam kết hôn với anh F có quốc tịch Hàn Quốc. Vợ chồng anh chị đang cư trú và làm việc tại xã X, huyện Y, tỉnh Quảng Ngãi. Chị E mới sinh được một bé gái tại bệnh viện T ở Quảng Ngãi. Anh F muốn con của anh chị được mang quốc tịch Hàn Quốc, tuy nhiên anh không biết cơ quan nào của Việt Nam có thẩm quyền đăng ký khai sinh? Thủ tục đăng ký khai sinh cho con mình được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

- Về cơ quan có thẩm quyền đăng ký khai sinh:

Điều 35 Luật Hộ tịch quy định: “Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ em trong các trường hợp sau đây:

1. Trẻ em được sinh ra tại Việt Nam:

a) Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch; 

b) Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam cư trú ở trong nước còn người kia là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;

c) Có cha và mẹ là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;

d) Có cha và mẹ là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch;

2. Trẻ em được sinh ra ở nước ngoài chưa được đăng ký khai sinh về cư trú tại Việt Nam:

a) Có cha và mẹ là công dân Việt Nam;       

b) Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam

UBND huyện Y, tỉnh Quảng Ngãi  có thẩm quyền đăng ký khai sinh cho con của anh F.

- Về thủ tục đăng ký khai sinh:

Thủ tục đăng ký khai sinh cho con của anh F được thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 36 Luật Hộ tịch như sau:

“1. Người đi đăng ký khai sinh nộp giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật này cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ là người nước ngoài thì phải nộp văn bản thỏa thuận của cha, mẹ về việc chọn quốc tịch cho con.

Trường hợp cha, mẹ chọn quốc tịch nước ngoài cho con thì văn bản thỏa thuận phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước ngoài mà người đó là công dân.

2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức làm công tác hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định tại Điều 14 của Luật này vào Sổ hộ tịch; trường hợp trẻ em có quốc tịch nước ngoài thì không ghi nội dung quy định tại điểm c khoản 1 Điều 14 của Luật này.

 Công chức làm công tác hộ tịch, người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh

Trường hợp anh F muốn chọn quốc tịch Hàn Quốc cho con thì trong văn bản thỏa thuận của cha, mẹ về việc chọn quốc tịch cho con phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Hàn Quốc.

Tình huống 11: Hồ sơ đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài

Chị M và chồng đều là công dân Việt Nam sinh sống và làm việc tại Hoa Kỳ. Tháng trước chị M sinh con tại Hoa Kỳ, chưa đăng ký khai sinh cho bé, do chị dự định sẽ đưa con về Việt Nam sinh sống cùng ông bà ngoại và làm thủ tục đăng ký khai sinh tại Việt Nam. Chị M muốn biết hồ sơ đăng ký khai sinh cho con mình bao gồm những giấy tờ nào?

Trả lời:

Điều 29 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định như sau:

1. Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của trẻ em có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ là công dân Việt Nam, thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra ở nước ngoài mà chưa được đăng ký khai sinh.

2. Người yêu cầu đăng ký khai sinh xuất trình giấy tờ chứng minh việc trẻ em cư trú tại Việt Nam và nộp các giấy tờ sau đây:

a) Tờ khai theo mẫu quy định;

b) Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp xác nhận về việc trẻ em được sinh ra ở nước ngoài và quan hệ mẹ - con nếu có;

c) Văn bản thỏa thuận của cha mẹ lựa chọn quốc tịch cho con theo quy định tại Khoản 1 Điều 36 của Luật Hộ tịch đối với trường hợp trẻ em có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, người kia là công dân nước ngoài.

3. Trường hợp không có giấy tờ quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này thì thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em theo thủ tục quy định tại Khoản 5 Điều 15 của Nghị định này.

4. Ngay trong ngày tiếp nhận yêu cầu, Phòng Tư pháp kiểm tra hồ sơ. Nếu thấy hồ sơ đầy đủ, chính xác và đúng quy định pháp luật thì đăng ký theo trình tự, thủ tục quy định tại Khoản 2 Điều 36 của Luật Hộ tịch. Nội dung khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 của Nghị định này

Điều 7 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định:

“1. Hồ sơ đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra ở nước ngoài, có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam hoặc cha và mẹ đều là công dân Việt Nam, chưa được đăng ký khai sinh ở nước ngoài, về cư trú tại Việt Nam, được thực hiện theo quy định tại Điều 29 Nghị định số123/2015/NĐ-CP và hướng dẫn sau đây:

a) Giấy tờ chứng minh việc trẻ em đã nhập cảnh hợp pháp và cư trú tại Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 29 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP gồm: giấy tờ chứng minh việc trẻ em đã nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam (như: hộ chiếu, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế có dấu xác nhận nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh) và văn bản xác nhận của cơ quan công an có thẩm quyền về việc trẻ em đang cư trú tại Việt Nam.

b) Việc xác định quốc tịch Việt Nam cho trẻ em khi đăng ký khai sinh được thực hiện theo quy định pháp luật Việt Nam về quốc tịch.

2. Trường hợp cha, mẹ lựa chọn quốc tịch nước ngoài cho con khi đăng ký khai sinh, thì ngoài văn bản thỏa thuận lựa chọn quốc tịch còn phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước mà trẻ được chọn mang quốc tịch về việc trẻ có quốc tịch phù hợp quy định pháp luật của nước đó. Nếu cơ quan có thẩm quyền nước ngoài không xác nhận thì cơ quan đăng ký hộ tịch thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ, nhưng để trống phần ghi về quốc tịch trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh

Theo những quy định nêu trên, hồ sơ đăng ký khai sinh cho con của chị M bao gồm:

- Tờ khai đăng ký khai sinh theo mẫu quy định;

- Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp xác nhận về việc trẻ em được sinh ra ở nước ngoài và quan hệ mẹ - con nếu có;

- Giấy tờ chứng minh việc trẻ em đã nhập cảnh hợp pháp và cư trú tại Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 29 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP gồm: giấy tờ chứng minh việc trẻ em đã nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam (như: hộ chiếu, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế có dấu xác nhận nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh) và văn bản xác nhận của cơ quan công an có thẩm quyền về việc trẻ em đang cư trú tại Việt Nam.

Tình huống 12: Việc ủy quyền khi đăng ký kết hôn

Anh P đang định cư tại Hoa Kỳ, anh dự định đăng ký kết hôn với chị H tại Việt Nam, tuy nhiên công việc của anh P rất bận rộn, Anh P có thể uỷ quyền cho người quen hoặc luật sư để thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn thay anh được không?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch: “Người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch, cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, yêu cầu đăng ký các việc hộ tịch theo quy định tại Điều 3 Luật hộ tịch (sau đây gọi là yêu cầu đăng ký hộ tịch) được uỷ quyền cho người khác thực hiện thay; trừ trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký lại việc kết hôn, đăng ký nhận cha, mẹ, con thì không được ủy quyền cho người khác thực hiện, nhưng một bên có thể trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền, không phải có văn bản ủy quyền của bên còn lại” thì việc nộp hồ sơ đăng ký kết hôn tại cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền có thể do chị H thực hiện mà không phải có văn bản ủy quyền của anh P, nhưng khi nhận Giấy chứng nhận kết hôn thì anh P phải trực tiếp có mặt để nhận, không thể uỷ quyền cho người khác thực hiện thay.

Tình huống 13: Việc thay đổi thông tin về giấy tờ tuỳ thân trên giấy chứng nhận kết hôn

Trên giấy chứng nhận kết hôn của chị D có thông tin về giấy tờ tuỳ thân là số chứng minh nhân dân do công an tỉnh Quảng Ngãi cấp. Hiện nay, chị D đã được cấp Căn cước công dân. Vậy để thuận tiện cho các giao dịch, chị D muốn làm thủ tục thay đổi thông tin về giấy tờ tuỳ thân trên giấy chứng nhận kết hôn từ số chứng minh nhân dân thành số căn cước công dân có được không?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 26 Luật Hộ tịch thì phạm vi thay đổi hộ tịch bao gồm:

1. Thay đổi họ, chữ đệm và tên của cá nhân trong nội dung khai sinh đã đăng ký khi có căn cứ theo quy định của pháp luật dân sự.

2. Thay đổi thông tin về cha, mẹ trong nội dung khai sinh đã đăng ký sau khi được nhận làm con nuôi theo quy định của Luật nuôi con nuôi”.

Như vậy, phạm vi thay đổi hộ tịch không bao gồm thông tin về giấy tờ tuỳ thân trên giấy chứng nhận kết hôn. Chị D không thể làm thay đổi thông tin về giấy tờ tuỳ thân trên giấy chứng nhận kết hôn từ số chứng minh thành số căn cước công dân

Tình huống 14: Đăng ký lại khai sinh

Trong bản sao Giấy khai sinh của Nguyễn Văn A cấp năm 1985 ghi họ tên cha là Nguyễn Văn B, sinh năm 1950, quốc tịch Việt Nam. Nhưng hiện nay người cha đã thôi quốc tịch Việt Nam, nhập quốc tịch Pháp, thay đổi họ tên là Nguyen Jack. Vậy, khi đăng ký lại khai sinh cho Nguyễn Văn A, phần khai về người cha trong Giấy khai sinh được ghi như thế nào?

Trả lời:

 Khoản 2 Điều 10 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định: “Tại thời điểm đăng ký lại khai sinh, nếu thông tin về cha, mẹ và của bản thân người yêu cầu đăng ký lại khai sinh có thay đổi so với nội dung giấy tờ tại khoản 1 Điều này, thì người đó có trách nhiệm xuất trình giấy tờ hợp lệ chứng minh việc thay đổi. Nếu việc thay đổi thông tin là phù hợp với quy định pháp luật thì nội dung đăng ký lại khai sinh được xác định theo thông tin thay đổi; nội dung thông tin trước khi thay đổi được ghi vào mặt sau của Giấy khai sinh và mục “Ghi chú” trong Sổ đăng ký khai sinh…”

Theo đó, khi đăng ký lại khai sinh, phần khai về người cha trong Giấy khai sinh của Nguyễn Văn A được ghi như sau:

“Họ tên cha: Nguyen Jack, sinh năm 1950, quốc tịch Pháp”.

“Phần ghi chú những thông tin thay đổi sau này” tại mặt sau của Giấy khai sinh và mục “Ghi chú” trong Sổ đăng ký khai sinh ghi rõ: Người cha thay đổi họ tên và quốc tịch từ Nguyễn Văn B, quốc tịch Việt Nam, thành Nguyen Jack, quốc tịch Pháp.

Tình huống 15: Đăng ký lại kết hôn

Ba và mẹ của chị Ngọc đăng ký kết hôn năm 1975. Hiện nay, Giấy chứng nhận kết hôn của ba mẹ chị bị mất. Mẹ chị Ngọc có tới UBND xã xin cấp trích lục kết hôn bản sao, tuy nhiên UBND xã không còn lưu giữ sổ đăng ký kết hôn năm 1975. Ba chị Ngọc mất đã gần một năm. Chị Ngọc hỏi: mẹ chị cần giấy chứng nhận kết hôn để bổ sung vào hồ sơ đi Hoa Kỳ thì có xin đăng ký lại kết hôn được hay không ?

 Trả lời:

Điều 65 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Hôn nhân chấm dứt kể từ thời điểm vợ hoặc chồng chết”.

Khoản 3 Điều 24 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định: “Việc đăng ký lại khai sinh, kết hôn chỉ được thực hiện nếu người yêu cầu đăng ký còn sống vào thời điểm tiếp nhận hồ sơ”.

Như vậy, căn cứ vào các quy định trên, đối chiếu với trường hợp của ba mẹ chị Ngọc, vì ba chị Ngọc đã mất nên mẹ chị không thể thực hiện việc đăng ký lại kết hôn.

 

Cơ quan chủ quản: Xã Xuân Thành- Huyện Xuân Trường
Địa chỉ: Xã Xuân Thành- Huyện Xuân Trường - Tỉnh Nam Định
Email: xaxuanthanh.xtg@namdinh.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang